Sun conure thì sặc sỡ, còn Cockatiel có chiếc mào đặc trưng

Đa dạng phong cách

Người chơi vẹt xứ Huế có nhiều mục đích khi tìm đến loài chim này. Anh Lê Bo, người sở hữu hàng chục con vẹt chia sẻ: “Đam mê của mình là chứng kiến những lứa vẹt non ra đời. Vì vậy, mình đang nuôi Cockatiel (thường được gọi là vẹt Mã Lai) sinh sản. Loài chim này có thể hót theo nhạc và bắt chước các âm thanh khác”.

Tính thân thiện của Cockatiel rất cao. Chúng dễ làm quen với mọi người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ với những cử chỉ âu yếm, dịu dàng. “Khi đã quen, Cockatiel rất quấn chủ và là người bạn hiền lành. Hơn nữa chúng là loài có thể free fly (bay tự do) tốt”, anh nói.

Khi vẹt trưởng thành

Free fly là một đam mê khác mà những người mê vẹt luôn muốn chinh phục. Anh Hải, hơn một năm tìm hiểu và đến với thú chơi này, chia sẻ: “Với tôi, việc luyện rèn cho thú cưng tập bay, bay thành thạo và hiểu hiệu lệnh là thành công lớn. Cảm giác khi vẹt sải cánh trên bầu trời tự do và vô cùng phóng khoáng”.

Để vẹt bay tự do, người chơi phải tập tành rất nhiều, chủ yếu với ba kỹ năng căn bản đó là bay đến, đáp xuống và quay đầu. Anh Hải chia sẻ: “Quan trọng nhất là kỹ năng hạ cánh. Bởi khi vẹt đã cất cánh và đậu ở một vị trí nào đó thì chỉ có thể leo lên bắt nếu chúng chưa biết kỹ năng này. Có thể thổi còi hoặc gọi tên và phải luôn luôn kiên trì bởi khác giống loài hay cùng giống loài thì mỗi chú vẹt đều có khả năng tiếp thu khác nhau”.

Thành quả và niềm vui của anh Lê Bo

Ngoài ra, với sự đa dạng, nhiều người lại chơi cả… màu lông của vẹt. Anh Lâm Kinh Vĩ, một người đam mê vẹt khác chia sẻ: “Như Lovebird chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là vẹt Mẫu Đơn hay vẹt Uyên Ương. Bởi thế, nhiều người nuôi loài vẹt này bởi mê mẩn những màu sắc nơi lông chim, nhất là những màu hiếm, lạ”.

Thu hút người chơi

Mỗi loài vẹt đều có những đặc tính riêng biệt, những ưu, nhược điểm từ đáng yêu đến phiền toái. Anh Bo chia sẻ: “Vì thế đa phần người mới nuôi nên tìm đến các dòng vẹt thân thiện, quấn chủ như Sun conure, Cockatiel, Lovebird. Riêng với dòng vẹt có tính lãnh thổ cao như Ngực hồng, chúng khá cộc tính với người lạ. Tuy nhiên, điểm mạnh của loài này là màu sắc sặc sỡ, giá thành phù hợp với túi tiền”.

Vẹt là loài chim có giá thành phù hợp với nhiều người chơi. Từ vẹt Yến Phụng, Anh Vũ đến các dòng cao cấp hơn như Cokatoo, Blue and Gold Macaw…, giá thành của chúng giao động từ xấp xỉ 100

nghìn đồng đến cả hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Vì thế, dù với mục đích có thêm người bạn thân thiện, ngắm những sắc màu sặc sỡ, dạy vẹt làm trò, học nói hay kiếm tìm khung trời tự do, những người chơi với túi tiền khác nhau đều có thể dễ dàng tiếp cận loài thú cưng này.

Để nuôi vẹt và chơi vẹt là cả một hành trình dài, bởi nhiều loài khó thích nghi với mùa đông lạnh và ẩm ướt của xứ Huế. Anh Bo kể: “Vẹt rất dễ bị các bệnh về tiêu hóa, hô hấp. Có đợt lụt lớn, điện cúp, mình phải lội lụt tìm đến nơi cao ráo sấy lông cứu vẹt. Khi đó có khó mấy mình cũng làm, vì nó đã trở thành đứa con tinh thần, người bạn và là tâm huyết sau bao gian khó”.

Riêng về phần mình, với những chú vẹt rực rỡ sắc màu, anh Hải đã có thêm sự kết nối với gia đình. Người con của anh không còn “ôm” điện thoại những lúc rỗi nữa. Thay vào đó là chăm, cho vẹt ăn, tập huấn luyện cũng như chơi đùa. Anh Hải “khoe” với chúng tôi khoảnh khắc vẹt bay theo hiệu lệnh là tiếng còi: “Giờ tôi và con trai hay cho vẹt free fly lắm, thích nhất là nơi cánh đồng vắng, trời rộng bao la. Giữa bộn bề lo toan, đó là khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi rất trân trọng”.

Không vắng sự cố mà những người yêu vẹt phải trải qua như vẹt không thuần, bay mất hay vẹt bị ốm chết. Sự mất mát về tinh thần là không thể tránh khỏi bởi đa phần tay chơi thường chăm vẹt từ nhỏ và đã xem loài chim này là người con, người bạn trong gia đình. Anh Bo nói: “Vì thế để đảm bảo tuổi thọ cho vẹt, ngoài không gian lồng hoặc nhà đủ rộng để chúng sải cánh, vận hành hệ cơ xương, hệ hô hấp…thì việc chăm chút, tinh ý sẽ giúp chủ nuôi chăm sóc vẹt tốt hơn. Anh chia sẻ: “Có thể do bản tính vui vẻ nên vẹt hay giấu bệnh, dù ốm nhưng chúng chỉ có biểu hiện rất mơ hồ như xù một chút lông, rùng mình hoặc hơi biếng ăn. Cảm giác như chúng muốn người nuôi luôn vui vẻ chứ không ủ dột”.

Vì thế yêu thương, quan tâm là tiêu chí đầu tiên, cũng là tiêu chí quan trọng nhất để người nuôi vẹt tiếp cận thú vui này. Hiện Hội yêu thích vẹt Huế đã có hơn 500 thành viên tham gia. Trong thời gian tới, những người yêu vẹt xứ Huế dự định sẽ thực hiện những buổi offline chia sẻ kinh nghiệm nuôi cũng như giao lưu free fly cùng người mê vẹt tại các địa phương khác.

Bài, ảnh: MAI HUẾ