TS. Hồ Thắng

Song song với việc phát động, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam”. Thừa Thiên Huế Online đã có cuộc trao đổi với TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN xung quanh đề án này.

- Ông có thể nói những mục tiêu mà đề án hướng đến?

Mục tiêu của đề án là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tính đa dạng sinh học và phát huy các giá trị di sản văn hóa, làm đẹp cảnh quan đô thị, xây dựng và hình thành lối sống văn minh, văn hóa đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường trong cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó:

- Phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ” nhằm khôi phục truyền thống trồng mai vàng, chơi mai cảnh của người dân, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.

- Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống hoàng mai, xây dựng thương hiệu hoàng mai Huế dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

- Xây dựng các tuyến phố, vườn mai, rừng mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc cho TP. Huế.

- 100% huyện, thị xã và TP. Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai, 100% cơ quan, công sở trên địa bàn bố trí trồng ít nhất 2 cây mai vàng trong khuôn viên.

- Những nội dung chính yếu của đề án là gì?

Đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Mai vàng trước ngõ”. Đưa phong trào “Mai vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm để quảng bá cho xứ sở mai vàng Việt Nam.

Tiếp nữa là tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về hoàng mai Huế, các hoạt động giao lưu với các nghệ nhân nghề sinh vật cảnh trồng bonsai hoàng mai Huế… Ngoài ra, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thực hiện việc trồng mai vàng tại các khu vực nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng và du khách, vận động các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh (có điều kiện phù hợp) trồng mai vàng trước ngõ, trong sân vườn. Trong đó, các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp làm trước, mỗi đơn vị trồng ít nhất 2 cây mai.

Đề án cũng tính đến việc thành lập Hội hoàng mai Huế, tổ chức lễ hội mai vàng hàng năm vào dịp tết nguyên đán nhằm tạo sân chơi, giới thiệu, quảng bá thương hiệu “hoàng mai Huế”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ trồng hoàng mai ở Bệnh viện Trung ương Huế sau lời phát động trồng “Mai vàng trước ngõ”

- Đề án có tính đến công tác quy hoạch các khu vực trồng mai?

Tất nhiên rồi. Quy hoạch các khu vực trồng mai vàng phù hợp là nội dung không thể thiếu.

Chẳng hạn, tại các địa điểm di tích, đền chùa, khu du lịch văn hóa, khu vực cảnh quan tự nhiên đặc trưng, thực hiện việc trồng mai vàng quanh khu vực di tích và bên trong khuôn viên nhằm tôn thêm giá trị cảnh quan của khu vực. Đặc biệt, nghiên cứu khu vực Hoàng thành Huế để trồng các tuyến đường, khu vườn mai phù hợp, gắn với không gian tổ chức lễ hội mai vàng hàng năm.

Nghiên cứu triển khai trồng mai vàng kết hợp các loài hoa khác phù hợp dọc tuyến đường Tam Thai kết nối đến khu Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (Đền thờ Huyền Trân), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Quy hoạch các khu vực cho các cơ sở trồng mai vàng cảnh bonsai vừa triển lãm vừa tạo cảnh quan nghệ thuật tại các khu vực phù hợp như Thượng Thành - Eo Bầu, hoặc các khu vực công viên…

Quy hoạch khu vực núi Ngự Bình - Núi Bân - Núi Tam Thai để từng bước hiện thực hóa đồ án quy hoạch phân khu khu văn hóa Tây Nam này, cần thiết triển khai việc quy hoạch và trồng các loại cây xanh, trong đó có khu trồng rừng mai vàng Huế quy mô lớn. Quy hoạch khu vực Đàn Nam Giao, đồi Thiên An (xung quanh hồ Thuỷ Tiên) thành một vành đai vườn mai phù hợp với cảnh quan chung của khu vực...

UBND TP. Huế tiếp tục đầu tư phát triển vườn mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn theo quy hoạch. Quy hoạch trồng mai trên tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố… Phấn đấu mỗi phường có một vườn mai, trước mắt tập trung ưu tiên các phường có quỹ đất rộng, có nhiều điểm du lịch như Vỹ Dạ, Kim Long, Thuỷ Biều, Thuỷ Xuân. 

UBND các huyện, thị xã tập trung quy hoạch mỗi địa phương ít nhất 2-3 điểm, vườn trồng mai vàng ở tuyến đường trung tâm hay các công viên, nhà văn hoá cộng đồng, các điểm di tích lịch sử, thắng cảnh đặc trưng của địa phương.

Ngoài ra, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành và địa phương liên quan làm việc với các tổ chức, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn để thoả thuận, hợp tác xây dựng quy hoạch các điểm, vườn mai tại các đơn vị, tổ chức này như: Đại học Huế, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Ga Huế, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Luks xi măng, Scavi…

- Xây dựng xứ sở Hoàng mai, mới nghe đã thấy rất cuốn hút. Nhưng để có một xứ sở như vậy thì nguồn giống từ đâu? Và người dân làm sao biết đâu là đích xác hoàng mai Huế để mà chọn trồng?

Đó quả là vấn đề rất đáng quan tâm. Thế nên, tại đề án, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH&CN chủ trì tham mưu UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, trước mắt tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế: nhằm xác định được các đặc điểm về giống và loài của các loại mai vàng hiện hữu tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Sưu tầm phân tích đặc điểm văn hóa lịch sử phát triển cây mai vàng nhằm xây dựng dữ liệu quảng bá thương hiệu Hoàng Mai Huế; Xác định số lượng các nguồn giống mai vàng Huế trên địa bàn tỉnh có tuổi đời 50-100 năm và trên 100 năm tuổi để lựa chọn các cây đầu dòng giống mai vàng; Xây dựng được các quy trình nhân giống giống mai vàng xứ Huế.

- Nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa sâu bệnh cho Hoàng mai Huế: Đặt hàng cho các viện nghiên cứu hoặc các trung tâm chuyên ngành tiến hành nghiên cứu đánh giá các loại sâu bệnh hại và điều chế, chế phẩm sinh học phục vụ cho Hoàng mai Huế, lưu ý kết quả nghiên cứu cần có sản phẩm thương mại hóa để cung ứng trên thị trường.

- Xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Hoàng mai Huế” tỉnh Thừa Thiên Huế.

Song song với công tác nghiên cứu khoa học thì việc hình thành các điểm sản xuất giống mai vàng Huế cũng là nội dung chính của đề án. Theo đó, UBND giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Công viên cây xanh và Công ty TNHH nhà nước một thành viên lâm nghiệp Tiền Phong là ba đơn vị triển khai các hoạt động nhân giống và cung cấp giống Hoàng mai Huế. Trước mắt, trong năm 2021 phải đảm bảo khoảng 20.000 cây mai vàng.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

ĐỨC PHÚ - P. THÀNH (thực hiện)