Hoàn cảnh đáng thương của gia đình bà Gái cần lắm sự hỗ trợ, chia sẻ của những tấm lòng nhân ái. Mọi giúp đỡ xin gửi đến bà Trần Thị Gái trú tại số 10, kiệt 92 đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Thành, TP Huế, số điện thoại 0165.7016.754 hoặc Tổ bạn đọc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP Huế.
|
Căn nhà chưa đến 20m2 bề bộn, tối tăm, sâu sau con hẻm chật chội chỉ đi lọt một chiếc xe máy. Không có giường, ba đứa con của bà Gái nằm trên tấm ván đặt bệt trên sàn nhà là chỗ ngủ duy nhất cho cả gia đình. Xô chậu và bao nhiêu vật dụng “hầm bà lằng” cũ kỹ, chiếm gần hết diện tích còn lại. Bàn thờ cô con gái treo trong góc, sát cạnh bàn thờ người cha, khiến căn nhà càng thêm ảm đạm. Trời mưa quá không đi làm được, bà Gái ngồi dựa lưng vào bức tường tróc lở, ủ rủ bó gối. Trên tấm ván, đứa con trai Nguyễn Văn Thái Dương (16 tuổi), thân hình nhỏ thó như đứa bé 6 tuổi, chân tay oặt ẹo, teo tóp không đi lại được, đang cười từng tràng ngây dại. Cháu Nguyễn Văn Thái Hòa (14 tuổi) ngồi ngửa mặt nhìn trần nhà với ánh mắt vô hồn, chốc chốc cất từng tràng cười giống anh. Cô con gái Nguyễn Thị Hải Đường (20 tuổi), nằm thu lu trong chiếc chăn mỏng bạch phếch, thỉnh thoảng thò mặt ra ngoài để lộ đầu tóc bù xù.
Bà Gái buồn bã kể, do mặc cảm phận nghèo nên năm 29 tuổi, bà mới đồng ý kết hôn với ông Nguyễn Văn Thanh Dũng sau khi ông Dũng xuất ngũ. Cha mẹ anh em hai bên đều nghèo nên dù chung tay gom góp cũng chỉ sắm được cho ông Dũng chiếc xích lô cũ là phương tiện kiếm kế sinh nhai. Bà Gái nhặt ve chai đồng nát, cùng chồng trang trải cuộc sống.
Nguồn thu nhập từ công việc của vợ chồng bà Gái đã quá ít ỏi, nuôi 6 miệng ăn đã khó. Đằng này, cả 4 đứa con của họ đều mắc bệnh động kinh, tâm thần, ông Dũng lại bệnh tật nên cuộc sống cơ cực. Miếng đất nhỏ xíu để vợ chồng bà dựng căn nhà tạm bợ do cha mẹ bà Gái cho. Mấy chục năm, tiền kiếm được chỉ sống qua ngày, bệnh cũng không có tiền chữa, nói chi đến chuyện gia cố, nên căn nhà ngày càng xuống cấp, dột nát. “Không có tiền chữa nên bệnh em rể tui ngày một nặng thêm. Không đến bệnh viện nên chẳng biết bệnh chi, chỉ thấy phù mặt, phù chân. Năm ngoái, trong một lần đau quá nằm nhà, thấy cháu Thái Dương lên cơn động kinh, em rể tui cố ngồi dậy đến xoa bóp cho con, bất ngờ ngã xuống nền nhà. Dũng được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi”- bà Trần Thị Tuyết, chị ruột bà Gái (nhà ở cạnh bên) nhớ lại.
Kể từ ngày chồng qua đời, người phụ nữ một mình “vật lộn” với 3 đứa con ngây dại. Nghề ve chai đồng nát ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn đồng, lại bấp bênh. Những khi mưa to gió lớn, nguồn thu nhập của bà Gái lại càng ‘teo tóp”. Vất vả mưu sinh đã đành, một tay bà Gái còn phải chăm sóc cho cả 3 đứa con xấu số bệnh tật.
Xen trong những tràng cười nói ngây ngô lảm nhảm của mấy đứa con, bà Gái mân mê mấy “cuốn sổ” vừa lấy ra từ bọc ni lon gói ghém cẩn thận. Đó là cuốn sổ hộ nghèo và sổ nhận tiền bảo trợ xã hội của cả 3 đứa con, mỗi đứa được 300.000 đồng/tháng. Người mẹ thẫn thờ: “May các con tui có chế độ của Nhà nước. Tui kiếm được ngày vài ba chục nghìn đồng, mẹ con rau cháo qua ngày. Nhưng cảnh nhà cơ cực quá. Nhất là mỗi lúc các con lên cơn động kinh, co giật đau đớn, tui đứt từng khúc ruột mà không biết phải làm sao…”.