“Tên được Sở cấp phép của trung tâm này là Công ty CPĐT và PT giáo dục quốc tế UCI chứ không phải là Trung tâm Anh ngữ quốc tế AMA. Cái tên Trung tâm Anh ngữ quốc tế AMA là không đúng và sở chưa có công văn cho phép việc này. Sau khi phát hiện, sở đã đi kiểm tra đề nghị công ty này báo cáo để có biện pháp xử lý. Việc lấy thương hiệu khác chưa được sự cho phép của sở mà hoạt động là điều không đúng”, ông Sơn khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Huế, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở quản lý các trung tâm ngoại ngữ trên cơ sở Thông tư 03 của Bộ Giáo dục và đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Quy định 30 của bộ về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên. “Nhìn chung, các trung tâm đã được sở ra quyết định thành lập nhưng khi hoạt động, công tác tổ chức đào tạo thì trung tâm phải thực hiện theo quy chế. UCI lấy tên AMA mà chưa có ý kiến của sở là trái quy định và sở sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý, điều chỉnh”, ông Huế cho biết.

Theo ông Huế, giáo viên nước ngoài được cấp phép hoạt động phải có ý kiến của công an: 61, 83, Sở Ngoại vụ về nhân thân; được Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho phép, và phải có sự xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo về bằng cấp sư phạm hoặc chứng chỉ quốc tế giảng dạy tiếng Anh.

Về chất lượng đào tạo tại các trung tâm Anh ngữ quốc tế, ông Huế cho biết: “Từ trước đến giờ sở chưa nhận được thông tin phản ánh về chất lượng tại các trung tâm trên. Nếu nhận được, sở sẽ thành lập một đoàn để kiểm tra. Hiện sở vẫn kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột suất khi có vấn đề hay thông tin phản ánh”.

PGS.TS Lê Phạm Hoài Hương, giảng viên Khoa tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế:

Rất khó để đánh giá đúng chất lượng đào tạo

Theo tôi, nếu không có điều kiện tham gia học ở các trung tâm và thời lượng học ở trường còn hạn chế, thiếu thực tế, phụ huynh cũng nên tạo một môi trường học ngoại ngữ cho các em ngay tại nhà hay bất cứ ở đâu các em có thể tiếp xúc, sử dụng ngôn ngữ này.

Khách quan mà nói, nhìn chung các trung tâm ngoại ngữ để khẳng định uy tín, thương hiệu và thu hút nhiều học viên, họ buộc phải tuyển chọn giáo viên tốt; xây dựng phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, tài liệu, phương tiện hỗ trợ giảng dạy phải đảm bảo yêu cầu. Tuy vậy, khó có thể thấy được tính thống nhất trong chương trình giảng dạy giữa các trung tâm, do mỗi trung tâm thường hoạt động độc lập. Mặt khác, xuất phát điểm về tiếng Anh của các em thường khác nhau, có em được cha mẹ cho làm quen với tiếng Anh sớm hơn, có em có năng khiếu ngoại ngữ, hoặc trình độ tiếp thu giữa mỗi người có sự chênh lệch. Do đó, rất khó để đánh giá đúng bản chất vấn đề về chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở các trung tâm và trong trường học. 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, giáo viên bộ môn Anh văn, Trường tiểu học Thuận Lộc,TP.Huế:

Phải được luyện tập trong môi trường tốt, chất lượng

Nhiều người vẫn cho rằng, tiếng Anh dành cho trẻ em là đơn giản, dễ dạy. Song, qua kinh nghiệm học tập cũng như giảng dạy, tôi nhận thấy đây là bước khởi đầu để các em tiếp cận với ngoại ngữ, nên mỗi một từ ngữ buộc phải “chuẩn”, nhất là trong khâu phát âm. Nếu không “chuẩn” ngay từ đầu thì trong quá trình lĩnh hội ngôn ngữ, các em dễ bị “hóa đá”, tức đi theo lối mòn sai khó sửa. Do đó, ngay từ đầu, các em phải được luyện tập trong môi trường tốt, chất lượng, với vốn kiến thức tuy ít, nhưng phải đúng, hiệu quả.

Theo tôi, việc học ngoại ngữ của các em giống như bước lên từng bậc cấp và không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Vì vậy để học tốt ngoại ngữ, ngoài lòng đam mê, yêu thích, các em phải thường xuyên luyện tập, sử dụng để duy trì và nâng cao trình độ các kỹ năng. Ngoài học ngoại ngữ ở trường, nếu các em có điều kiện, sắp xếp được thời gian hợp lý theo học thêm ở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ bên ngoài cũng là điều đáng ủng hộ.
Thanh Vân - Hoài Thương (thực hiện)