Nạn nhân là Trần Ngọc H, (xã Quảng Ngạn, Quảng Điền) thiệt mạng để lại cho cha mẹ, người thân nỗi đau tột cùng. Hung thủ-Ngô Đ ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), bị bắt ngay sau đó, khiến cha già mẹ yếu, vợ con thơ dại khổ cực vô chừng. Xét xử sơ thẩm, Đ nhận án 4 năm 6 tháng tù. Cấp phúc thẩm tăng án thành 5 năm tù. Cha mẹ nạn nhân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại đến tòa án tối cao.

Khổ sở

Mấy lần bị “thối lui” vì lũ lụt chia cắt đường sá, cuối cùng chúng tôi cũng về được xã Quảng Công, Quảng Ngạn. Ngôi nhà chính của cha mẹ nạn nhân khá khang, trang, nhưng nhuốm màu tang tóc trong khói hương bảng lảng và mưa gió dầm dề. Cha nạn nhân kể, một năm 7 ngày qua, trên bàn thờ đứa con trai không lúc nào tắt hương khói. Bất kể, mưa gió, ngày nào ông bà cũng ra mộ con. “Sinh 8 đứa con, mình hắn là trai, được thương yêu chiều chuộng nhưng con tui ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Mới xin được việc làm tại Đà Nẵng, chưa kịp nhận việc đã mất mạng oan uổng. Đau đớn rứa cha mẹ răng sống nổi. Vợ chồng tui chừ chỉ là cái xác không hồn, ráng qua ngày đoạn tháng”. Mẹ nạn nhân cúi mặt thấm nước mắt. Đau buồn quá, cả hai ông bà sinh bệnh tật, không còn làm lụng gì được nữa. Suốt câu chuyện, cha mẹ nạn nhân đau đáu một câu hỏi, vì sao không thù không oán, hung thủ lại ra tay côn đồ với con đứa con vô tội của họ như thế? Câu hỏi đó, tòa cũng đã đưa ra nhiều lần, nhưng bị cáo không thể trả lời. Nỗi đau vô cớ mất con đông cứng hình hài tiều tụy của cha mẹ.

Nhón từng bước chân trên những viên gạch, đá sắp lổm nhổm bên rìa đường sát bức tường nhà đầu ngõ, lần qua đám bùn lầy lội mới vào được nhà cha mẹ Đ. Khi con trai gây chuyện và bị bắt, cha mẹ Đ đem “sổ đỏ” thế chấp để vay tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, thay con phần nào khắc phục hậu quả. (Cha mẹ nạn nhân không nhận vì cho rằng còn hung thủ khác đang ngoài vòng pháp luật. Món tiền đó được nộp vào Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Điền). Từng lớp gió từ phá Tam Giang xô vào khiến căn nhà trong buổi chiều nhá nhem càng chông chênh lạnh lẽo. Mẹ Đ áo phong phanh, quần xắn quá gối, vừa đi làm thuê về, nghe nhắc chuyện đứa con trai ở trong tù mặt chợt bạc thếch, chỉ vào cha Đ gầy ốm ngồi vật vờ nơi góc nhà và cô con dâu đang dỗ đứa con nhỏ, mếu máo: “Chồng tui bệnh đầy mình không làm được chi cả. Vợ Đ vừa ôm con dại vừa tranh thủ bán buôn lẹt xẹt, thu nhập bấp bênh, chẳng đáng bao nhiêu. Hắn là trụ cột gia đình thì đi tù rồi. Tui ai thuê chi làm nấy, kể cả đi gom rác, nhưng ngày kiếm chỉ vài chục nghìn đồng. Tui cùng con dâu phụ nhau trang trải cũng không đủ”. Bà dẫn chúng tôi ra túp lều quây bên mép phá, nói đó là nơi vợ chồng Đ chuẩn bị ra ở đặt lừ kiếm cá. Mới làm xong thì Đ xảy ra “chuyện”.

Nhen hi vọng

Mưa ràn rạt quất vào túp lều không bóng người, cửa đóng im ỉm. Câu chuyện mẹ Đ kể tiếng được tiếng mất trong gió lạnh. Bà nói, nếu con trai không “lỡ tay” gây ra chuyện vướng tù tội, những lúc mưa gió khó khăn thế này mọi việc cần đôi vai, bàn tay người đàn ông đều do Đ gánh vác. Giờ thì…

Người mẹ bỏ dở câu nói, đưa tay quẹt ngang gương mặt khắc khổ nước mắt lẫn nước mưa. Giờ cái “trụ” của gia đình bị “gãy”, khiến cha bệnh, mẹ yếu vợ trẻ con thơ liêu xiêu. Đã vậy, người thân còn phải luôn khổ tâm áy náy vì không có tiền đi thăm nuôi Đ trong trại giam. “Lâu lắm rồi, nhà đành “thả liều” hắn…” Lời than khiến chúng tôi nhớ lại ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, mẹ Đ đến sớm, líu quíu kiếm chỗ ngồi thật gần chiếc ghế dành cho bị cáo, sẽ sàng đặt vỏn vẹn hai chai nước ngọt dưới gầm ghế, là “đồ tiếp tế” bà đem đến cho con.

Đứa trẻ trong lòng vợ Đ yên lặng sau hồi quấy khóc, mở to đôi mắt nhìn chúng tôi lạ lẫm. “Cháu 7 tháng tuổi. Lúc cha bị bắt, cháu đang nằm trong bụng mẹ”. Vợ Đ buồn rầu. Bây giờ người phụ nữ trẻ này đã bình tĩnh hơn so với ngày mới xảy ra chuyện. Lúc đó, đứa con đầu 5 tuổi, chị lại đang mang thai. Ốm dặt ốm dẹo, hay tin chị quỵ luôn. Ấy vậy mà trừ những lúc phải nằm liệt trên giường, nhúc nhắc được chị lại cùng mẹ chồng sang nhà nạn nhân phụ làm lặt vặt trong đám tang, bày tỏ lòng thành, mong cha mẹ nạn nhân tha thứ, dù họ không hề có lỗi. Vợ Đ thẫn thờ: “Những gì lỡ gây ra, thì chồng em phải chịu trách nhiệm. Gia đình lúc nào cũng động viên anh ráng cải tạo tốt để được sớm trở về. Trong những lần gặp mặt hiếm hoi, lần nào anh Đ cũng bày tỏ ân hận, hứa cải tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm. Chỉ tiếc…” Nỗi tiếc của người vợ trẻ cũng là day dứt của nhiều người dân địa phương về một ngư dân vốn hiền lành chẳng gây gổ với ai bao giờ. Chẳng ngờ hôm đó trong đám cưới, Đ có hơi men, không điều chỉnh được hành vi, “ngứa mắt” một cách vô lý dẫn đến đôi co và đánh người ta một cái. Thành ra nông nổi.

Chúng tôi rời nhà cha mẹ Đ khi đêm mỗi lúc càng đặc trong thôn. Đường trở nên xa ngái hơn bởi từng lớp gió lạnh buốt từ phá Tam Giang xô vào nhau ràn rạt. Cứ hiện ra trước mắt hình ảnh cha mẹ nạn nhân trước nỗi đau mãi mãi mất con. Và căn nhà cũ kỹ của cha mẹ Đ đã đem đi thế chấp vay tiền bồi thường. Chông chênh. Lạnh lẽo. May còn chút ấm áp khi vợ và cha mẹ Đ từng ngày mong ngóng anh cải tạo tốt để trở về. Và chính nỗi ân hận của người lầm lỡ có thể nhen lên hi vọng…

Quỳnh Anh