Trong câu chuyện khi ghé qua vào sáng đầu tuần, người bạn của chúng tôi cho hay, kế hoạch tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3 (đợt 1, giai đoạn 4) đã tạm dừng, chờ đến khi thời tiết thuận lợi hơn. Chia sẻ của một người trong nghề về địa hình đồi núi hiểm trở, những vách ta-luy dựng đứng, những trận mưa đẫm ướt làm mềm chất đất phong hóa và những cơn lũ rừng nữa…đã mang đến những hình dung rất rõ về nguy hiểm tiềm ẩn. Mà cũng không phải là tiềm ẩn nữa, khi những gì đã xảy ra ở Rào Trăng 3, cũng như ở Trạm Kiểm lâm 67 trong năm 2020 là quá khốc liệt. Trà Leng (Nam Trà My - Quảng Nam), Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) là những địa danh gắn với những đau thương do lở núi, sạt đất sau đó…

Chúng ta có hệ thống quan trắc, cảnh báo với các phương tiện thiết bị công nghệ hiện đại nhưng biến đổi khó lường của khí hậu vẫn mang đến những rủi ro vô cùng lớn từ thiên nhiên. Có lẽ còn rất nhiều ẩn họa khác nữa và việc dự báo, hay kiểm soát chúng vẫn còn ở thế bị động.

13.233 điểm sạt lở thuộc 21 tỉnh, thành là cứ liệu của đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì triển khai từ năm 2012. Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ tỷ lệ 1/50.000 cho các huyện miền núi của Thừa Thiên Huế cũng đã được viện này đưa vào kế hoạch hoàn thiện kể từ tháng 10/2020 (plo.vn). Vấn đề đáng lưu ý là ở chỗ, đây chỉ là dữ liệu, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, chứ không thể chỉ ra các điểm sạt lở chính xác, cũng như không thể dự báo thời điểm sạt lở được.

Không chủ quan và biết cách bảo trọng có lẽ cũng là cách ứng xử tốt nhất với mọi tình thế. Tôi nghĩ về điều này khi được cho hay có đến hơn 40 điểm sạt lở đang được cảnh báo trên địa bàn.

Diễn tiến liên quan mới nhất đến vấn đề này là ngày 17/3/2021, tại Quyết định số 379/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu cụ thể được xác định rõ là giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP… đồng thời, quy định nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng. Trong đó, yêu cầu cụ thể về việc chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển đối với vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) với những yêu cầu cụ thể kèm theo xung quanh việc chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển…

Những con số cụ thể đặt ra trong chiến lược quốc gia là một kỳ vọng lớn không chỉ về giảm thiểu tổn thất mà sẽ đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai.

Minh Hà