Cấp phép thăm dò thêm nhiều mỏ đất san lấp cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ảnh hưởng tiến độ
Theo Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư, ngay sau tết, các nhà thầu ra quân đồng loạt thi công dự án cao tốc Cam Lộ-Túy Loan. Tuy nhiên, thiếu nguồn đất san lấp nên việc điều phối nguồn đất giữa các gói thầu trên tuyến khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ DA.
Ông Trần Thế Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Đèo Cả (đơn vị thi công gói thầu số 6) cho biết, công ty đảm nhiệm thi công khoảng hơn 1km trên đoạn tuyến qua địa bàn xã Phong Xuân (Phong Điền). Hiện nay, các gói thầu số 5 và 6 đang thiếu hơn 1 triệu m3 đất san lấp, trong khi chuyển từ gói thầu số 3 và 4 (Phong Mỹ, Phong Điền) qua mới khoảng 200 nghìn m3. Hiện, đường công vụ nội tuyến vẫn chưa xong nên các đơn vị thi công phải tận dụng các tuyến Tỉnh lộ để vận chuyển đất gây nhiều bất cập.
“Chủ trương của Ban Quản lý DA là tích cực tháo gỡ cho nhà thầu, nghiên cứu các thủ tục để gỡ “điểm nghẽn” trong việc thiếu nguồn cung đất san lấp. Theo đó, sẽ điều chỉnh dự toán, tích cực thi công sửa chữa đường công vụ nội tuyến để vận chuyển và triển khai thi công gói thầu số 3 và số 8 (đang dư hơn 2 triệu m3 đất) để điều tiết nguồn đất san lấp giữa các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ DA”, ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Quyền Giám đốc Ban Quản lý DA thông tin, để thi công các gói thầu trên tuyến, tổng khối lượng đào, đắp rất lớn, khoảng 16 triệu m3; trong đó, đắp gần 6 triệu m3. Khó khăn hiện nay là thiếu hàng triệu m3 đất san lấp phục vụ thi công DA. Hiện tại, DA này thiếu khoảng hơn 2 triệu m3 đất san lấp, nhất là tại các gói thầu thuộc những đoạn đường đi qua vùng đồng bằng cần khối lượng đất san lấp lớn. Giải pháp trước mắt là điều phối hài hòa nguồn đất giữa các gói thầu đang được chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công tích cực triển khai. Tuy nhiên, nhiều vị trí quá xa điểm thi công, không kinh tế nên chủ đầu tư phải mua đất tại mỏ đất của địa phương.
Tăng nguồn cung
Hỗ trợ gỡ điểm nghẽn đất san nền, Sở Tài nguyên &Môi Trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh tìm kiếm, bổ sung đất có tính chất phù hợp cho công trình cao tốc Cam Lộ-Túy Loan thông qua bổ sung quy hoạch một số khu vực đất làm vật liệu san lấp ở đồi Động Đá (xã Phong Thu, huyện Phong Điền), đất ở thôn 4 (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy)… Đồng thời, UBND tỉnh cho phép 3 mỏ đất đã được cấp phép khai thác tăng công suất (mỏ đất Phường Hóp của Công ty CP Lâm nghiệp 1-5, mỏ đất đồi Khe Quan của Công ty TNHH XD Đồng Tâm, mỏ đất đồi Trốc Voi của Công ty TNHH Hoàn Ngọc).
UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương cho nâng công suất khai thác tối đa khối lượng tại các mỏ đáp ứng các điều kiện, thủ tục quy định và đảm bảo nhu cầu, khối lượng đất đắp (bao gồm cả đất san lấp và đất đắp nền đường) phục vụ các DA trọng điểm trên địa bàn tỉnh; trong đó có DA cao tốc Cam Lộ-La Sơn. Đồng thời, giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu, có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chủ trương theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Hoàn chỉnh thủ tục và tổ chức lựa chọn theo tiêu chí để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ DA cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Kết quả lựa chọn tổ chức cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Ghích Dương 2 là Công ty TNHH MTV Tuấn Nhân và tại khu vực Vũng Chòi là Liên danh Công ty CP Thành An-Công ty TNHH MTV Hải Quốc Toàn. Đây là những tổ chức được cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhằm phục vụ thi công các DA có sử dụng vốn ngân sách như DA mở rộng Nhà ga hành khách T2-Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; DA Chương trình Phát triển các Đô thị loại II (Đô thị Xanh); DA cao tốc Cam Lộ-La Sơn.
Theo Sở TN&MT, vị trí thăm dò loại khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2 (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) có diện tích 18 ha và tại khu vực Vũng Chòi (phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) diện tích 10ha. Sở TN&MT cũng đã có thông báo về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực Khe Bội 1 (phường Hương Xuân và xã Hương Bình, TX. Hương Trà).
Cần 10 triệu m3/năm Trên địa bàn tỉnh có 22 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 17 mỏ đất làm vật liệu san lấp, 2 mỏ đất sét làm gạch ngói (không có mỏ cát sỏi lòng sông hoặc cát nội đồng). Đối với đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác khoảng hơn 2 triệu m3/năm và khoảng 200 nghìn m3 đất làm vật liệu san lấp được khai thác từ tầng phủ của mỏ đá, đất phát sinh dư thừa từ các công trình. Nhu cầu từ nay đến năm 2030 khoảng 10 triệu m3/năm. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên