Một dự án điện gió và điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Được biết, GCF là một quỹ toàn cầu được thiết lập để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giải quyết thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu. Các khoản tiền được bảo đảm sẽ dành cho Chương trình Phục hồi xanh của Quỹ Tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF), nhằm mục đích xúc tác tài trợ từ các đối tác phát triển và các nguồn vốn tư nhân để tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng xanh, trị giá hơn 4 tỷ USD trên khắp khu vực. Trong đó, ADB sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn GCF trong chương trình này cho các dự án đầu tư tại Campuchia, Indonesia, Lào, và Philippines. Những dự án được hỗ trợ sẽ kết hợp các công cụ và cách tiếp cận tài chính xanh.

Trong khoảng thời gian 30 năm, các dự án được dự kiến​​ sẽ làm giảm 119 triệu tấn khí thải CO2, đồng thời tạo ra 340.000 việc làm xanh trong những lĩnh vực như: giao thông vận tải bền vững, năng lượng tái tạo và các hệ thống hiệu quả năng lượng, nông nghiệp carbon thấp và tài nguyên thiên nhiên.

Trong một tuyên bố báo chí, ADB cho biết, ACGF mong muốn hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á thu hẹp khoảng cách trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh, khoảng cách này vốn đã mở rộng trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, khi nền kinh tế của khu vực thu hẹp 4,4% trong năm 2020. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư trong khu vực Đông Nam Á đã được ước tính vào khoảng 210 tỷ USD ngay cả trước khi đại dịch xảy ra.

“Chương trình sẽ tìm cách thúc đẩy dòng vốn xanh từ các ngân hàng, nhà đầu tư và thị trường vốn đến Đông Nam Á, bằng cách giúp giảm thiểu rủi ro và chuẩn bị cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng xanh. Chương trình này cũng sẽ giúp các quốc gia mở rộng quy mô phát hành trái phiếu xanh và khí hậu, nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển", người đứng đầu đơn vị ACGF của ADB, ông Anouj Mehta nói thêm.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Business Times)