Ngành nghề phi nông nghiệp được đào tạo, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Gắn với nhu cầu xã hội

Nguyễn Luân, quê ở Lương Mai, xã Phong Chương (Phong Điền) sau khi xuất ngũ muốn tìm việc làm ổn định nên nộp hồ sơ xin việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Phong Điền. Vị trí công ty đang cần tuyển gấp là lái xe nâng. Ngặt nỗi trước và sau khi nhập ngũ, Luân chưa học bằng lái xe, thế là đành vuột mất cơ hội có vị trí tốt và phải chờ đợi đợt tuyển dụng mới trong vô hạn.

Rất nhiều lao động ở nông thôn đang muốn thoát nghề nông để chuyển dịch sang các nghề phi nông nghiệp hay tham gia những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, song lại thiếu tay nghề, kiến thức...

Theo thống kê của ngành lao động, tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp đến năm 2020 là 160.603 người, giảm 1.508 người so với năm 2005, cơ cấu lao động lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp từ 29% (năm 2005) xuống còn 27,1% (năm 2020). Tỷ lệ này cho thấy việc làm vẫn tiếp tục bị dồn nén trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp và sự dịch chuyển cơ cấu lao động chưa theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể, so với năm 2015, cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 4,2%, song lực lượng lao động dịch chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp chỉ đạt 1,9% và chưa đạt kế hoạch đề ra trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp là phải giảm xuống 21% trong cơ cấu các ngành: dịch vụ (41,5%), công nghiệp-xây dựng (37,5%) và nông lâm ngư nghiệp (21%).

Để giải bài toán đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo các chương trình mục tiêu, đề án... được triển khai thực hiện và đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn.

Dù chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, song phải thừa nhận rằng thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề mới như: may công nghiệp, chế biến món ăn, chăm sóc cây, lái xe, nuôi trồng theo hướng nông nghiệp sạch... đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động và đáp ứng phần lớn nhu cầu cho các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động vào làm việc tại địa phương.

Ngoài đào tạo các ngành nghề truyền thống cũng như mới nổi, vừa qua, các ngành, đơn vị chức năng liên kết tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hàng trăm đối tượng là người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại 9 địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là những khoá học giúp người dân tiếp cận và thích ứng nhanh với những ngành mới, phù hợp với xu thế phát triển và từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

Đầu tư dạy nghề chuyên sâu

Thời gian qua, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các đơn vị đào tạo nghề tiến hành rà soát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đào tạo đến đâu có việc làm đến đó, ưu tiên đào tạo các đối tượng chính sách, người nghèo, người thuộc diện bị ảnh hưởng môi trường biển. Số lượng học viên tham gia đào tạo nghề giai đoạn này là 2.628/13.500 lao động có nhu cầu, đạt tỷ lệ 19,5%. Lao động sau khi học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước yêu cầu thực tế, ngoài đa dạng ngành nghề đào tạo và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, thời gian và địa điểm đào tạo đã được các đơn vị, địa phương đổi mới, linh hoạt hơn.

Trước kia, một số khóa đào tạo nghề có thời gian kéo dài từ 1 năm trở lên đã không thu hút được nhiều học viên. Bên cạnh đó, cơ sở mở lớp đào tạo tập trung ở khu vực thành thị, gây khó khăn cho việc đi lại, chi phí ăn ở, sinh hoạt của nhiều lao động nông thôn nên họ ít mặn mà tham gia học. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thời gian gần đây, những khoá đào tạo nghề đã được liên kết đào tạo tại chỗ và đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng. Nhờ đó đã thu hút nhiều học viên và đem lại hiệu quả thực chất.

Trong số 9.062 người thất nghiệp trên toàn tỉnh, số người thất nghiệp chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất: 38,1%. Tỷ lệ thất nghiệp đã qua đào tạo: đại học trở lên, cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề, đào tạo dưới 3 tháng lần lượt là 27,87%, 9,77%, 1,47%, 3,05%, 3,54%, 6,38%.

Để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp vì không được đào tạo nghề, ngoài tập trung đổi mới về chương trình, ngành nghề đào tạo, giúp lao động nông thôn có được việc làm trong tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến, các cơ sở đào tạo nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, địa phương, doanh nghiệp liên kết tổ chức đào tạo ngành nghề mang tính chuyên sâu để tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng.

Theo kế hoạch phát triển nhân lực của các ngành kinh tế - kỹ thuật và các lĩnh vực thuộc tỉnh, những năm sắp tới có tổng nhu cầu 163.698 lao động, trong đó: trình độ đại học và trên đại học: 7.453 người (chiếm 4,55%), cao đẳng: 10.503 người (chiếm 6,42%), trung cấp 19.900 người (chiếm 12,16%), sơ cấp: 76.466 người (chiếm 46,41%), khác: 49.376 người (chiếm 30,16%).

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG