Các tuyến giao thông ở xã Lộc Vĩnh thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô kết nối giao thông liên vùng
“Nối mạng” xuyên suốt
Trước đây hai thập niên, về vùng đất cửa ngõ phía nam, đường sá còn nhiều cách trở. Ngoài tuyến QL1A đi qua địa bàn Phú Lộc là đường nhựa, còn lại phần nhiều là đường đất cấp phối và cát. Giao thông cách trở, đời sống kinh tế các xã bên kia đầm Cầu Hai như Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Hiền... rất khó khăn, giao thương hàng hóa cũng bị “nghẽn”.
Với sự hỗ trợ của Trung ương, tuyến QL49B qua các xã bên đầm Cầu Hai được nhựa hóa. Dọc tuyến này, huyện Phú Lộc tiếp tục xây dựng nhiều trục đường liên thôn, liên vùng hoàn chỉnh. Các trung tâm thị trấn, thị tứ được mở các tuyến đường dân sinh theo nguồn vốn mục tiêu; những tuyến đường chính và các cầu, cống trên tuyến nối trung tâm thị trấn Phú Lộc qua Vinh Hiền, Vinh Hưng cũng được khởi động.
Gần đây, cùng với chủ trương Nhà nước, Nhân dân cùng làm, Phú Lộc tranh thủ nhiều nguồn vốn tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông cấp huyện như đường Lộc An - Lộc Hòa dài gần 3km; đường ven phá Cầu Hai nối thị trấn Phú Lộc - Lộc Trì; đường dài 4,5km nối từ QL1A vào khu định cư Bến Ván (từ xã Lộc Bổn đến xã Xuân Lộc); đường An Sơn Bổn dài 3km... Tuyến La Sơn được nâng cấp mở rộng, kết nối vào tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan. Hiện nay, trên địa bàn Phú Lộc đang tiếp tục nâng cấp mở rộng QL49B hướng Vinh Hiền-Lộc Bình, tuyến vành đai phía đông qua xã Lộc Sơn; mở rộng Tỉnh lộ 15E kết nối Lộc Hòa-Xuân Lộc...
Người dân ở cửa ngõ phía nam phấn khởi hơn kể từ năm 2006, các xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lăng Cô...được Chính phủ phê duyệt trở thành khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (CM-LC) hàng loạt cầu cống, đường ngang dọc được nhựa hóa thoáng rộng với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, tạo mạng lưới giao thông thông suốt trong vùng.
Động lực phát triển
Các tuyến giao thông liên vùng được kết nối tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính hệ thống giao thông ở khu vực CM-LC được xem là hình mẫu giao thông ở Thừa Thiên Huế, là những huyết mạch đột phá góp phần đưa khu kinh tế trở thành địa chỉ thu hút đầu tư các chương trình dự án trọng điểm trong ngoài nước của miền Trung và cả nước.
Hiện tại, nơi đây đã xây dựng cảng, khu công nghiệp và nhiều khu du lịch sinh thái tầm quốc tế. Đến cuối năm 2020, khu vực này thu hút hơn 44 dự án với tổng số vốn đăng ký 76.146 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án du lịch...
Cũng từ khu kinh tế CM-LC, tiềm năng, thế mạnh của người dân đã đánh thức, mở ra các dịch vụ thương mại hỗ trợ, như nhà hàng, dịch vụ lưu trú, vận tải... giúp cuộc sống, kinh tế người dân được cải thiện.
Mới đây, tuyến QL49B được mở rộng, nâng cấp, cùng cầu Tư Hiền hiện đại nhất miền Trung đã bắc qua phá Tam Giang, nối đôi bờ trung tâm Phú Lộc đến các xã Vinh Hiền, Vinh Hưng... Cầu Vinh Hiền ra đời làm thỏa ước mong của hàng nghìn hộ dân. Giao thông thuận tiện thúc đẩy người dân năng động, đổi mới trong làm ăn, phát triển kinh tế. Các mô hình khai thác nuôi trồng thủy hải sản, kinh tế vườn, trang trại chăn nuôi xuất hiện ngày càng nhiều, mang lại nguồn thu ổn định.
Cũng từ ngày tuyến QL 49B hình thành, tuyến La Sơn-Nam Đông được nâng cấp mở rộng; tuyến đường Tây đầm Lập An-Lăng Cô ra đời,... câu chuyện về cách trở giao thông đã quá vãn. Đáng mừng khi hầm Hải Vân 2 đã vận hành đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc La Sơn Túy Loan chuẩn bị thông xe, sẽ kết nối và mở ra thêm nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất này.
Ông Võ Đại Thắng, Trưởng phòng Hạ tầng-Kinh tế huyện Phú Lộc thông tin, hiện, huyện Phú Lộc đang phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần đưa kinh tế xã hội phát triển nhanh, bền vững ở phía nam tỉnh. Theo đó, các chỉ tiêu đề ra mỗi năm bình quân xây dựng khoảng 20km đường bê tông hóa ở các địa phương; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn và các dự án của trung ương và tỉnh xây dựng, mở rộng các tuyến đường liên xã, liên vùng, trung tâm thị tứ, thị trấn và vành đai phía tây, phía đông kết nối với khu kinh tế CM-LC, tạo mạch giao thông xuyên suốt kết nối với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung.
Bài, ảnh: Minh Văn