Siêu container mắc kẹt ở Kênh đào Suez gây ảnh hưởng lớn đến thị trường vận tải hàng hải. Ảnh: Reuters/VNeconomy

Ever Given, tàu chở hàng khổng lồ dài 400m, tải trọng 224.000 tấn, bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez - một trong những huyết mạch giao thương bận rộn nhất thế giới từ ngày 23/3, đang làm tắc nghẽn tuyến đường vận chuyển ngắn nhất từ ​​châu Á đến châu Âu. Cơ quan quản lý Kênh đào Suez của Ai Cập cho rằng nguyên nhân của sự cố này là do suy giảm tầm nhìn vì bão cát kèm theo gió bão, dẫn đến việc tàu mất quyền kiểm soát.

Đến hôm qua, 8 chiếc tàu kéo vẫn đang nỗ lực làm việc để “giải cứu” tàu Ever Given. Theo hãng tin AP, nỗ lực để thông tuyến lại trên kênh Suez sẽ mất ít nhất 2 ngày, nhưng thời gian để khôi phục hoàn toàn vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Theo Cơ quan quản lý Kênh đào Suez, có gần 19.000 con tàu đã đi qua con kênh này năm ngoái, tương đương hơn 50 lượt tàu mỗi ngày.

Tính theo khối lượng, khoảng 12% thương mại thế giới lưu thông qua kênh đào Suez, bao gồm lượng lớn dầu thô và khí đốt tự nhiên. Không chỉ các tàu chở dầu đi về phía bắc từ các nước Vịnh Ba Tư đến châu Âu, nhiều tàu chở các nguồn năng lượng của Nga còn đi về phía nam thông qua kênh đào nối liền với các điểm đến ở châu Á.

Đường ống Sumed, với ga cuối nằm ở Kênh đào Suez, xử lý 9% lượng dầu vận chuyển trên toàn cầu và 8% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.

Theo dữ liệu từ các trang web theo dõi tàu bè, nhiều tàu chở hàng đã lùi lại ở cả hai đầu của Kênh đào Suez. Chậm trễ một vài ngày ở đây đồng nghĩa với việc sẽ mất một khoảng thời gian dài trước khi lưu lượng vận chuyển có thể trở lại bình thường.

Nếu quá trình mở lại tuyến đường thủy này bị đình trệ, các tàu thuyền chỉ còn lại hai lựa chọn: hoặc nằm chờ ở cửa kênh hoặc đi hàng nghìn km qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Lựa chọn thứ hai sẽ làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa đến khoảng một tuần.

Xáo trộn thị trường

Trước sự cố này, thị trường dầu mỏ đã có những phản ứng rõ rệt. Giá dầu Brent tương lai đã tăng 3% vào hôm qua do lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn. Tại New York, giá dầu thô giao tháng 5 đã tăng 5%.

Cổ phiếu của tập đoàn vận tải hàng hải hàng đầu thế giới là A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch) trong ngày 24/3 cũng đã giảm hơn 9% so với mức đóng cửa của một ngày trước đó. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã mua tiền tệ của các quốc gia giàu tài nguyên, chẳng hạn như Canada và Australia.

Các công ty trong các ngành bị ảnh hưởng, như năng lượng và hậu cần (logistic), và các cơ quan chính phủ đang chạy đua để thu thập thông tin về tình hình và đánh giá những thiệt hại có thể xảy ra. Theo công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, việc tắc nghẽn có thể ảnh hưởng đến 10 tàu chở dầu chở tổng cộng 13 triệu thùng dầu thô. Trang TankerTrackers.com chuyên theo dõi các chuyến hàng dầu cho biết các tàu chở dầu của Arab Saudi, Nga, Oman và Mỹ đang chờ ở hai đầu kênh.

Khối lượng vận chuyển đã tăng trở lại trên toàn cầu kể từ đầu năm. Kết hợp với tình trạng thiếu container trên diện rộng và thời gian chờ đợi để dỡ hàng ở Bờ Tây nước Mỹ, giá vận chuyển đã tăng vọt trong những tháng gần đây.

Hiện các công ty vận chuyển vẫn chưa tính đến tác động có thể có của sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez trong giá cước. Nhưng vụ việc có thể tác động mạnh đến các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và gây bất ổn thị trường vận tải biển. Nếu tàu bị kẹt nhiều ngày, giá cước vận tải biển với các tàu lớn sẽ gia tăng.

Thực tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải chịu áp lực từ nhiều yếu tố, từ sự thiếu hụt chất bán dẫn đến tình trạng băng giá và mất điện quy mô lớn ở Texas. Toyota Motor đã tạm dừng một nhà máy ở Cộng hòa Séc trong 14 ngày từ ngày 22/3 và Ford Motor thông báo rằng thiệt hại sản xuất ở Mỹ và châu Âu có thể làm giảm thu nhập trước thuế cả năm của hãng lên tới 2,5 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, một sự gián đoạn kéo dài tại kênh đào Suez có thể tạo thêm áp lực cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Nikkei Asia Review)