Gần đây, nhiều giáo viên phải tự bỏ kinh phí học các lớp bồi dưỡng để có chứng chỉ nâng ngạch (Ảnh minh họa). Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Theo dõi vấn đề và tham khảo nhiều nguồn thông tin, thì ra, theo người viết, chuyện này cũng không có gì là “đao to búa lớn cả”.

Theo quy định của Luật Công chức và Viên chức, cán bộ công chức, viên chức đều xếp theo ngạch bậc. Ứng với mỗi ngạch bậc có những đòi hỏi tiêu chuẩn khác nhau. Bây giờ thì chuyển qua xếp hạng (hạng I, II, III) chứ trước đây được xếp theo 3 bậc. Người viết không biết quy định có gì thay đổi không, nếu như không thay đổi thì suy cho cùng xếp hạng hay xếp ngạch đều như nhau. Ví dụ như nhà báo thì trước đây được xếp theo 3 bậc – phóng viên, phóng viên chính và phóng viên cao cấp (tương tự biên tập viên cũng vậy). Người viết bài này đã tham gia thi nâng ngạch phóng viên chính từ năm 2006 thì thấy có những tiêu chuẩn quy định như sau: 1. Phải tốt nghiệp đại học, 2. Có bằng B  Anh văn, 3. Tin học văn phòng, 4. Phải có bằng trung cấp lý luận chính trị, và 5. Mức lượng từ 3,66 trở lên. Tóm lại là phải có 5 tiêu chuẩn như nêu trên. Khi anh đạt các tiêu chuẩn này rồi thì được dự thi với điều kiện là cơ quan cho phép và phải tham gia một lớp bồi dưỡng tập trung. Lúc tôi dự thi là tập trung học nửa tháng (giờ đã có những quy định và bổ sung mới về việc phải thi hay xét hạng nâng ngạch).

Nếu anh thi đậu, lấy bằng về sẽ đi kèm với quyền lợi là được chuyển ngạch lương từ phóng viên lên phóng viên chính, tức là từ 3,66 lên 4,40. Nếu một phóng viên bình thường sẽ mất chừng 6 năm để được hưởng bậc lương khởi điểm của phóng viên chính.

Năm nào bộ chuyên ngành cũng tổ chức một đợt thi như vậy. Từ đó đến nay, riêng lĩnh vực báo chí không thấy dư luận không có ý kiến gì. Ai muốn dự thi thì dự thi với đủ những điều kiện quy định. Ai đủ điều kiện như quy định nhưng không muốn thi thì thôi, không ai bắt buộc.

Tôi nghĩ, quy định cho giáo viên cũng tương tự như vậy thôi. Nếu có một chứng chỉ hành nghề giáo viên thì cũng để xác nhận anh/chị đủ điều kiện để dự thi nâng ngạch, tức là xác nhận trình độ của anh khác với những giáo viên bình thường. Còn thực tiễn nó có khác hay không là câu chuyện khác. Nếu anh muốn dự thi thì dự thi, nếu không muốn dự thi thì thôi, cũng không ai bắt buộc.

Tìm hiểu sâu hơn thì quả đúng như vậy. Quy định chứng chỉ là để đủ điều kiện dự thi nâng ngạch. Thư viện Pháp luật giải thích các Nghị định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chung quanh việc này như sau, ví dụ, đối với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT thì hiểu như sau: - Trước ngày 20/3/2021: Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định 3 hạng chức danh nghề nghiệp gồm hạng I, II, III; trong đó: Giáo viên THPT hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên THPT hạng I; giáo viên THPT hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên THPT hạng II; giáo viên THPT hạng III không yêu cầu có chứng chỉ. Kết luận của Thông tư này cũng ghi rõ: giáo viên THPT chỉ phải đi học để có chứng chỉ theo hạng chức danh nghề nghiệp khi muốn thăng hạng từ hạng III lên hạng II hoặc từ hạng II lên hạng I.

Như vậy, Thông tư liên tịch 23 đã có cách đây 6 năm, tại sao cái chuyện “đã xưa” mà giờ chúng ta đem ra bàn cãi? Thực ra muốn thăng hạng thì anh phải thi, đã thi rồi, nếu đậu thì đã có chứng chỉ.

Tại Thừa Thiên Huế, Hội đồng thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở từ hạng II lên hạng I năm 2020 vừa thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở từ hạng II lên hạng I năm 2020 (theo Danh sách gửi kèm Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 24  tháng 02 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh). Hội đồng cũng thông báo: “Đối với thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở từ hạng II lên hạng I năm 2020 (theo Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày  24 tháng 2 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) không có nhu cầu tham dự kỳ thi, thí sinh làm đơn gửi trực tiếp tại Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo…”. Như vậy có thể hiểu là muốn thi hay không là tùy giáo viên.

LÊ PHƯƠNG