Gần ngày cưới, anh lại đột nhiên gọi, năn nỉ nhờ tôi đại diện nhà gái để lo chuyện thưa gửi với nhà trai. Tôi ậm ừ hơi ngại. Không phải ngại về mặt thủ tục, bởi mình cũng từng làm chú rể, từng dự rất nhiều cái thành hôn, vu quy của bạn bè, anh em, con cháu, láng giềng… nên ít nhiều cũng học lỏm được cái khoa nghi thức cưới xin. Nhưng ngại là bởi lẽ phía nhà trai là dân ngoại quốc “tiếng hiếm”, tiếng Anh thì còn có thể võ vẽ dăm ba câu, chứ cái tiếng hiếm thì hơi “hiểm”. Chả lẽ 2 họ cùng diễn… kịch câm với nhau?!! “Có phiên dịch.”- anh trấn an. Vậy thì OK, ngán gì mà chả nhận.

Ngày cưới, trong lúc chờ đợi nhà trai nạp lễ. Cả anh và cô dâu cứ nhắc tới nhắc lui với tôi: “Bên nhà trai xin không lạy gia tiên. Thống nhất vậy rồi…”. Ấy là họ sợ nhỡ nhà trai đến, tôi lại dẫn vào, dâng hương lên bàn thờ gia tiên rồi mời này mời nọ, bể dĩa… Tôi gật đầu. Vậy thì càng nhẹ vai. Không sao cả. Nhưng trong thâm tâm thì thấy lạ kỳ quá thể.

Nhà trai cũng là dân Á Đông, đồng văn đồng chủng với xứ ta, lễ nghi có khi còn phức tạp hơn ta nữa. Sao bây giờ lại nhất nhất không bái lạy gia tiên nhà gái. Quái lạ! Đồng ý có tiết giảm, có “nhân nhượng”, nhưng phải có nguyên tắc chứ. Cái gì tiết giảm được thì tiết giảm. Cái gì thuộc về nguyên tắc thì phải gắng mà giữ. Ai đời vào lấy con gái người ta, mà bàn thờ gia tiên nhà họ lại không được một cái cúi chào?!! Ngắm nhìn cô dâu, cũng trẻ trung, xinh đẹp, có học thức, có công việc ngon lành. Thà như một số cô gái nông thôn ôm mộng lấy chồng ngoại thì cũng cam… Nhưng thôi, ngày vui của người ta, suy cho cùng mình chỉ là khách, được mời “sắm vai” cho vui. Ý kiến ý cò, có khi bị cho nhiều chuyện, phá đám. Phiền!

Nghĩ thế, nhưng trong lòng sao mà cứ ấm ức không chịu được. Ngẫm tới ngẫm lui, thấy đây không chỉ là chuyện cá nhân của ai hết, mà còn là “tự ái dân tộc”. Cả đám người ngoại quốc phía nhà trai, đến cưới con gái Việt Nam ta, mà sao thấy đơn giản nhẹ tênh thế, có khi trở về lại bàn tán, cho rằng dân tộc Việt văn hóa nghèo nàn, dễ dãi. Vậy là vào cuối tiệc cưới, nhân lúc khách phương cũng đã vãn dần, tôi mời chú rể ngồi chơi, bắt chuyện. Nhân đó, tôi giảng giải cho anh ta biết về phong tục cưới xin của Việt Nam ta, nói cho anh ta hiểu gia đình nhà gái cho tiết giảm như vừa rồi là vì bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh COVID-19 (là tôi… bịa lý do cho hợp lý vậy, chứ nào có kịp hỏi gia chủ lý do lý trấu gì đâu). Anh chàng chú rể ngồi nghe, tròn mắt gật gật có vẻ rất thú vị và cúi đầu cảm ơn tôi đã cho anh ta hiểu thêm về phong tục văn hóa Việt, bây giờ là quê vợ của anh chàng.

Xong việc cưới xin, trở về nhà, tôi thấy lòng nhẹ bớt phần nào. Dẫu cho có bị cho là lo việc bao đồng, nhưng vì lòng tự trọng của một người Việt Nam, điều đó với tôi cũng không sao cả.

THƯỢNG BÍCH