Cô hỏi thăm thì được biết, ông bà cụ có con cái, nhưng ai cũng nghèo, lại ở xa, nên không giúp gì được cho cha mẹ. Trong những ngày điều trị, chỉ ông và bà với nhau. Với tình trạng sức khỏe hiện tại, lẽ ra ông cụ phải được truyền thuốc bổ, mà nghe đâu loại đó đắt tiền, tính ra phải nộp gần triệu bạc, nên ông bà cụ đành chịu. Cô và chị đồng nghiệp-bệnh nhân bàn bạc, thống nhất giúp ông cụ có tiền mua được loại thuốc này. Nhưng sau khi cán bộ y tế kiểm tra, biết ông cụ thuộc diện hộ nghèo, bảo hiểm y tế 100%, nên sẽ được truyền mà không phải chi phí.

Vừa mới yên tâm về khoản thuốc men, lại thấy xót lòng trước tình trạng có vẻ rất thiếu thốn của ông bà cụ, cô liền đưa tặng mấy chiếc bánh lúc nãy mang theo. Bà cụ cảm ơn rồi bẻ bánh ăn ngon lành (bà không đưa cho chồng, vì ông bị bệnh tiểu đường, không ăn được các loại bánh thông thường). Ông cụ thèm thuồng nên vẫn mặc kệ tình trạng bệnh, “năn nỉ” vợ. Thấy vậy, cô vội vã lập tức chạy xuống căn tin bệnh viện, tìm mua loại bánh dành cho người bị bệnh tiểu đường ăn kiêng. Khi tặng bánh, cô tặng thêm bà cụ 300 nghìn đồng còn lại trong ví, để hai cụ bớt phần nào thiếu thốn trong những ngày điều trị tại bệnh viện. Cô nói, khi nào rảnh, sẽ lại ghé thăm ông, bà. Lúc đó cũng là khi đến lượt đồng nghiệp của cô phải đến phòng phẫu thuật, cô tất tả chạy theo chiếc xe đẩy bệnh nhân cùng các nhân viên y tế.

Bà cụ ngồi lặng, đôi tay run run cứ vuốt mãi số tiền được tặng. Ông cụ hỏi: “tiền mô mà có rứa bà”. Bà cụ: “Tiền ni là do cô lúc nãy tặng bánh, tặng vợ chồng mình đó”. Ông cụ khóc. Bà cụ cũng khóc. Đó là nỗi xúc động quá lớn, trước lòng tốt và tình thương ấm áp của một người không quen biết dành cho những số phận kém may mắn. Tấm lòng, tình cảm đáng trân trọng của những người như cô gái ấy là quà tặng quý giá đối với cuộc sống, khiến cuộc sống có ý nghĩa, đẹp đẽ hơn rất nhiều.

QUỲNH ANH