Toàn cảnh buổi tư vấn

Mở đầu chương trình, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lưu ý một số nội dung về phương thức xét tuyển. Theo ông Hùng, nhiều trường tuyển thẳng dựa vào kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, có trường dựa vào kết quả học bạ. Với việc tuyển bằng kết quả học bạ, học sinh cần lưu ý một số trường chỉ áp dụng với các học sinh trường chuyên, học sinh học trường nằm trong top 200… Tuy nhiên, không phải học sinh trường nào cũng được xét tuyển hình thức học bạ. Do vậy các bạn gởi hồ sơ vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM phải lưu ý và đọc kỹ thông tin trên trang điện tử của từng trường.

Hầu hết các trường đều xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Với các phương thức xét tuyển này, thầy Hùng khuyên học sinh nên có phương án chọn lựa phù hợp và có ưu thế, phải lưu ý mốc thời gian tuyển sinh với từng phương án.

Học sinh Nguyễn Phan Bảo Uyên, lớp 12 Trường THPT Đặng Trần Côn băn khoăn, khi nào Bộ GD-ĐT công bố đề thi thử, bộ đề này có sát với bộ đề chính thức? Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Huỳnh Văn Chương – Phó Giám đốc Đại học Huế cho hay, dự kiến trong tháng 3 này sẽ công bố. Thế nhưng hôm nay đã 28/3 nhưng vẫn chưa thấy, vì thế học sinh lo lắng là điều dễ hiểu. Ông Chương cho hay, theo kinh nghiệm bộ đề thi thử này cơ bản sát với đề thi chính thức. Trong đó có cả câu hỏi phân loại học sinh để xét tuyển ĐH và câu hỏi dễ hơn để xét tuyển THPT.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, cho hay, nội dung đề thi sẽ bám sát chương trình học phổ thông và chủ yếu là lớp 12 và đề thi sẽ có câu dễ, câu khó. Ông Hùng khuyên các em nên ôn tập tốt, nắm chắc kiến thức như thế sẽ tự tin trong quá trình làm bài thi.

Một trong ngành “hot” học được nhiều thí sinh quan tâm đó là Công nghệ thông tin bởi sự hội nhập và cơ hội việc làm cao. Các câu hỏi liên quan như học đâu? Chính sách học bổng? Cơ hội việc làm?...

Các trường tham gia chương trình tư vấn chuyển tài liệu cho học sinh tham khảo

TS Nguyễn Công Hào - Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Huế chia sẻ, theo đề án của tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2025 Huế cần 10.000 nhân lực để phục vụ trong ngành công nghệ thông tin. Hiện nay, Đại học Huế đang có 5 đơn vị đào tạo công nghệ thông tin. Đặc biệt trong đó Khoa quốc tế thuộc Đại học Huế có chương trình liên kết đào tạo an toàn dữ liệu với Phần Lan. Ông Hào cũng nhận định nhu cầu lao động của ngành công nghệ thông tin sắp tới ở Huế là vô cùng lớn.

Ngoài ra, cũng nằm trong chương trình tư vấn, nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước cũng đặt gian hàng tại không gian Trường THPT Quốc Học để tư vấn cho từng trường hợp cụ thể cũng như có một số hoạt động trải nghiệm để giúp các em hiểu hơn về môi trường học tập, chính sách, học bổng…

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời điểm này rất quan trọng để học sinh chọn ngành nghề cho tương lai. Do vậy, chương trình đã giúp các học sinh, phụ huynh giải đáp được những băn khoăn ấy để có sự lựa chọn phù hợp trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.

Tin, ảnh: N. MINH