Tê tê là một trong số những loài động vật nằm trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+

“Hầu hết tội phạm liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã đều có mối liên hệ chặt chẽ với việc buôn bán ma túy và vũ khí trái phép. Nhưng nhìn chung, các cơ quan có thẩm quyền ở Thái Lan và các nước ASEAN khác vẫn không có đủ năng lực, hoặc nguồn lực để đối phó với một mạng lưới tội phạm mạnh mẽ như vậy”, Surapon Duangkhae đến từ tổ chức Seub Nakhasathien Foundation trả lời phóng viên của báo giới truyền thông Thái Lan nhận định.

Cùng lúc, một nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các quốc gia Đông Nam Á trong nạn săn trộm động vật hoang dã quy mô lớn. Ngoài việc là thị trường đích, Đông Nam Á còn là khu vực cung cấp nguồn cung bất hợp pháp, cũng như là nơi quá cảnh của động vật hoang dã – những con vật, sản phẩm sau đó được đem đi buôn bán thương mại.

Cũng theo OECD, các nỗ lực đối mặt, giải quyết, dẹp gọn nạn buôn bán động vật hoang dã của khu vực còn yếu, do nhận thức về tham nhũng và sự thiếu tin tưởng giữa các đối tác chính là những lý do làm tăng thêm khó khăn trong quá trình trao đổi thông tin qua biên giới.

Trong một ý kiến có liên quan, theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS), số lượng ngà voi, sừng tê giác và tê tê được các cơ quan chức năng thu giữ trong năm 2020 vừa qua ít hơn nhiều lần so với các năm trước. Điều này được cho là do đại dịch COVID-19 đã làm giảm khả năng và tần suất hoạt động của những kẻ buôn bán động vật hoang dã để có thể vận chuyển sản phẩm ra quốc tế và chính sự thắt chặt hoạt động để đảm bảo phòng chống dịch đã khiến các cơ quan thực thi pháp luật có thể dễ dàng phát hiện các lô hàng hơn.

Các phương tiện truyền thông đưa tin, số vụ bắt giữ và quy mô của những lô hàng bị bắt giữ đã giảm mạnh. Điều này cho thấy, ngay cả khi các bộ phận của động vật hoang dã được vận chuyển giữa châu Phi và châu Á với số lượng nhỏ hơn, thì mức độ hoạt động buôn bán giữa các châu lục cũng đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, một số chuyên gia về động vật vẫn lưu ý, hoạt động buôn bán trực tuyến vẫn diễn ra mạnh mẽ trong suốt thời kỳ đại dịch và nạn săn trộm ở một số địa điểm thực sự vẫn có sự gia tăng.

Các nghiên cứu từ Đại học Oxford Brookes và Đại học Tây Australia đã khẳng định, bất chấp những hạn chế chống dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục được triển khai, cộng thêm nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người, thì hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên mạng xã hội vẫn diễn ra, trong đó động vật hoang dã được trá hình bán dưới dạng “động vật nuôi nhốt”.

Trước tình hình này, các nước ASEAN cần nhanh chóng thu nhỏ lỗ hổng trong chính sách, tăng cường hoạt động, đẩy nhanh tiến độ triển khai các biện pháp mạnh để kiềm chế và giải quyết tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ The ASEAN Post)