Có thùng rác và bảng cấm đổ rác ở bên ngoài, nhưng không ngăn được nguy cơ ô nhiễm ở chợ tạm A Lưới

“Ngày nào cũng nhắc, nhưng vẫn vậy”

Trước và sau khu chợ tạm A Lưới đều có thùng rác. Thế nhưng, ngay gần khu vực đặt thùng rác, dù có bảng cấm nhưng rác vẫn vương vãi khắp nơi, thậm chí còn bị vứt xuống kênh mương, vỉa hè. Rác chủ yếu là túi ni lông, thùng xốp, các sản phẩm thừa, thực phẩm hỏng.

Chợ tạm A Lưới hoạt động từ tháng 7/2016 khi chợ A Lưới được đầu tư xây dựng lại và hiện có hơn 310 tiểu thương, người dân buôn bán. Xung quanh chợ tạm A Lưới, phải có đến khoảng 10 thùng rác. Tuy nhiên, cứ vào khoảng trưa, chiều, lại thấy cảnh rác vứt nghênh ngang, dù nhiều thùng rác chưa đầy. Có tiểu thương chở rác bằng xe rùa nghiễm nhiên đổ rác quanh khu vực thùng rác, hoặc gần thùng rác, tạo thói quen cho người sau. Một số điểm đổ rác “bất đắc dĩ” từ đó mọc ra, dù lực lượng chức năng đã nhiều lần thu gom, nhắc nhở.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý công trình công cộng và dịch vụ công ích huyện A Lưới (đơn vị phụ trách hoạt động thu gom rác, quản lý chợ… trên địa bàn huyện), lắc đầu: “Ngày nào cũng nhắc, nhưng nhắc rồi cũng vậy. Mỗi ngày chúng tôi triển khai hai đợt thu gom rác tại chợ tạm A Lưới vào 5–6 giờ sáng (tùy mùa) và 6 giờ chiều. Cố gắng dọn sạch, nhưng khi quay lại, vẫn thấy rác thải đổ vương vãi mà không cho rác vào thùng. Chợ cũng có cam kết với các tiểu thương về bảo vệ môi trường, nhưng nhiều trường hợp đang còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường”.

Theo người dân sống gần khu vực chợ, các tiểu thương đổ rác thường vào giờ trưa, lúc vắng người hay những lúc chợ tan. Nhiều trường hợp chở rác trên xe rời chợ “tiện tay” quăng rác mà không cần dừng lại bỏ vào thùng. Những trưa nắng, rác, thực phẩm hỏng bốc rất khó chịu.

Xe thu gom rác hoạt động hết công suất

Đặt câu hỏi về chuyện tăng cường thu gom rác khi ý thức người dân chưa được cải thiện, bà Nguyễn Thị Thu Hà và cả ông Bùi Viết Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới đều... thở dài.

Bà Hà cho biết, toàn huyện hiện chỉ có một chiếc xe chuyên dụng chở ép rác nhưng phải hoạt động thu gom ở các chợ, khu vực thị trấn cùng 4 xã lân cận.

“Người còn được nghỉ chứ xe không được nghỉ. Hắn chỉ nghỉ khi bị “đau ốm”. Mỗi lần xe hư, chúng tôi phải thuê xe ben để chở rác ở các chợ nhằm tránh ô nhiễm. Rất muốn tăng chuyến dọn rác, nhất là khu vực chợ. Nếu có 2 xe, sẽ dành 1 xe chuyên phục vụ ở chợ và thị trấn, 1 xe đi các xã. Kiến nghị mãi, nhưng vẫn chưa được”, bà Hà trăn trở.

Theo ông Bùi Viết Dũng, giá trị của xe chuyên dụng chở ép rác đến khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với một huyện miền núi như A Lưới, để đầu tư thêm trong bối cảnh hiện nay là không dễ. Huyện từng nghĩ đến phương án xã hội hóa nhưng chưa khả thi bởi đời sống người dân chưa thể bắt kịp như các đô thị khác. Trong khi đó, nguồn thu từ bến xe, dịch vụ thu gom rác chưa đạt, khó có thể đầu tư xe.

Cần giải pháp quyết liệt

Ban quản lý công trình công cộng và dịch vụ công ích huyện A Lưới cho rằng, vẫn có thể đặt thêm thùng rác tại chợ, song lại lo ngại, nếu người dân vẫn hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường, nguy cơ tiếp tục hình thành những điểm đổ rác bên ngoài thùng rác sẽ xảy ra, trong khi xe chuyên dụng chở ép rác không thể có mặt liên tục để giải quyết.

Tuy khó khăn nhưng không thể để tình trạng ô nhiễm rác nói trên trở nên nghiêm trọng khi cuộc sống ngày càng hiện đại, vấn đề bảo vệ môi trường cần được đề cao.

Tỉnh cũng như huyện A Lưới đang đặt ra nhiều giải pháp thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”. Trong bối cảnh phương tiện còn hạn chế, khi đã thực hiện các giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở và đã có những cam kết của tiểu thương về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng không thực hiện, cần có biện pháp chế tài, xử lý mạnh tay hơn với các vi phạm, dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật. Có chế tài xử phạt, người dân sẽ phải ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường chung, mà vấn đề đó hoàn toàn không khó.

Về lâu dài, cần tìm các nguồn kinh phí để đầu tư phương tiện.

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân cũng phải thường xuyên, lâu dài. Cần sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành với các xã thị trấn, để nỗi lo ô nhiễm không chỉ được xóa đi ở chợ tạm A Lưới, mà còn những nơi khác có nguy cơ.

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, những hành vi vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 - 7 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.

Bài, ảnh: Minh Tâm