Ngày tôi vào thăm anh, lúc đó chỉ vừa học xong 12, anh thì thất cơ lỡ vận từ Bắc vào Đắk Lắk để dựa vào gia đình nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi vẫn nhớ như in cả nhà anh ở trong một căn phòng thuê chật hẹp được đóng bằng ván cũ. Được cái là căn phòng đối diện chợ nên dù chỉ là tiệm bạc nhỏ nhưng cũng đủ để hai vợ chồng và con cái đắp đổi qua ngày.

Thời gian trôi qua, tôi cũng cuốn theo công việc, cơm áo gạo tiền nên anh em cũng không có dịp gặp nhau. Thỉnh thoảng chỉ trao đổi qua điện thoại hoặc nghe từ người làng mỗi khi họ về quê, rằng anh chị bây giờ cuộc sống ổn lắm. Tôi thật sự mơ hồ về cái sự ổn của anh cho đến khi gặp, xem ảnh và nghe anh kể về cuộc sống của mình.

Sau khi chủ cho thuê căn phòng muốn bán, anh chị đã vay mượn để mua lại rồi với sự giúp của O tôi (là mẹ anh), họ đã mở được tiệm vàng. Công việc làm ăn cứ thế tiến tới và thuận lợi. Bây giờ cơ ngơi ba nhà mặt tiền ở phố cộng vài lô đất, xe cộ... là thành quả của vợ chồng anh sau hơn 30 năm “lăn lộn” nơi vùng đất mới.

“Anh không tự hào điều đó, bởi của cải vật chất dù nhiều nhưng không có sức khoẻ, con cái hư hỏng, gia đình không hòa thuận thì có ý nghĩa gì đâu. May là anh chưa từng gặp phải hoàn cảnh đó. Đó mới là điều anh tự hào nhất”, anh nói.

Kết quả đó không phải chỉ do anh mà có, mà còn  nhờ mẹ anh-một người phụ nữ đúng chuẩn Huế: chu đáo, nghiêm khắc, mẫu mực nhưng cũng hết lòng yêu thương con cái, trách nhiệm với gia đình hai bên.

Lúc anh thất cơ lỡ vận cũng một tay O định hướng, giúp đỡ. Lúc em rể anh bể nợ do cờ bạc, O cũng chèo lái, kêu gọi toàn bộ anh chị em đoàn kết khuyên bảo giúp đỡ để vực dậy kinh tế. Cũng may người em rể đó giờ tu chí làm ăn, cuộc sống cũng bắt đầu sung túc trở lại. Rồi những người em khác của anh, cũng với sự định hướng của mẹ anh đã có công việc, nhà cửa ổn định. “Ra ngoài thế nào thì không biết nhưng cứ về nhà là răm rắp. Có tôn ti trật tự, trên ra trên dưới ra dưới, cấm có chuyện lộn xộn ở nhà anh”, anh nói về gia đình mình như để khẳng định về vai trò “nhạc trưởng” của O.

Thật ra, tôi không lạ gì việc đó vì từng có thời gian ăn ở nhà O lúc hè năm cuối cấp 3.

O chu đáo đâu ra đó và nghiêm khắc như thế nên con cháu dâu rể hơn 20 người nhưng luôn hoà thuận yêu thương nhau. Hễ gia đình ai có khó khăn gì là đồng lòng hỗ trợ, giúp đỡ. Thế hệ thứ ba là các cháu thấy ba mẹ chúng yêu thương anh em như thế nên cũng gắn bó, đoàn kết với nhau. Mối quan hệ của chúng tôi cũng bắt nguồn từ đó mà luôn tốt đẹp đến bây giờ. 

Thế nên trở về Huế lần này, dù quê chúng tôi cách thành phố 40km, anh còn phải lo chuyện xây lăng mộ cho ông bà nhưng cũng không quên sắp xếp thời gian để lên phố thăm chúng tôi, khi thấy các em mình quá bận rộn.

Tôi càng thấu hiểu vì sao O luôn đặt quy định ít nhất mỗi tháng đại gia đình con cháu phải gặp nhau một lần, ăn chung một bữa cơm. Đó có lẽ là cách gắn kết tình anh em ruột thịt dù cũ nhưng luôn hiệu quả, nhất là trong thời đại công nghệ số, khi mà những “giá trị ảo” có vẻ như ngày càng được xem trọng hơn những giá trị “thật”.

Hồng Tâm