Người dân được sơ tán ra khỏi một khu vực ngập lụt do bão lớn tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo nghiên cứu do Viện Policy Integrity của Đại học New York (Mỹ) thực hiện, tác động của nhiệt độ gia tăng có thể gây ra "những khó khăn to lớn" đối với các quốc gia vốn đã phải gánh chịu những thách thức về kinh tế và tỷ lệ đói nghèo cao.

Trong cuộc khảo sát các chuyên gia toàn cầu lớn nhất từ ​​trước đến nay về vấn đề kinh tế của biến đổi khí hậu, gần 3/4 trong số hơn 730 người được hỏi cho rằng, cần phải có "hành động ngay lập tức và quyết liệt" để cắt giảm lượng khí thải.

Cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia đang cập nhật kế hoạch cắt giảm phát thải, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 26) sẽ được tổ chức vào tháng 11 sắp tới.

Các nhà kinh tế cho biết, các chính phủ có thể đang đánh giá thấp những tổn thất tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như tác động của thời tiết khắc nghiệt và gián đoạn kinh tế. Trong đó, ông Derek Sylvan, Giám đốc phụ trách chiến lược của Viện Policy Integrity, đồng tác giả của cuộc khảo sát lưu ý: “Có vẻ như, mối quan ngại cực kỳ cao về rủi ro của biến đổi khí hậu đang hiện hữu".

Theo cuộc khảo sát nói trên, thiệt hại kinh tế ​​do tình trạng biến đổi khí hậu được ước tính lên tới 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm đến năm 2025, và khoảng 30 nghìn tỷ USD hàng năm đến năm 2075, nếu xu hướng ấm lên hiện nay vẫn tiếp diễn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng Thông tấn Thomson Reuters Foundation, ông Derek Sylvan cho rằng, những tác động nghiêm trọng nhất sẽ được cảm nhận ở các quốc gia đang phát triển, bởi những yếu tố như sự phụ thuộc nhiều hơn vào nông nghiệp và tính dễ bị tổn thương trước nhiệt độ khắc nghiệt. Ngoài ra, tổn thất sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới, do các tác động lan tỏa, chẳng hạn như sự gián đoạn của các tuyến đường thương mại và các chuỗi cung ứng, và các cuộc khủng hoảng tị nạn do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Cũng theo cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 2 vừa qua, 70% số người được hỏi dự báo, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng ngay bên trong các quốc gia, làm mở rộng khoảng cách giữa những người nghèo nhất và những người giàu nhất.

Hầu hết các nhà kinh tế học khí hậu quốc tế được hỏi trong cuộc khảo sát nhận định, họ đã trở nên lo ngại hơn về tình trạng biến đổi khí hậu trong 5 năm qua. Lý do phổ biến nhất mà họ đưa ra là sự leo thang của các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây, bao gồm những vụ cháy rừng liên quan đến khí hậu và các đợt sóng nhiệt.

Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, thế giới đã chứng kiến ​​hơn 7.300 thiên tai nghiêm trọng từ năm 2000 đến năm 2019, khiến khoảng 1,2 triệu người thiệt mạng và gây tổn thất 3 nghìn tỷ USD. Con số này được so sánh với khoảng 4.200 thảm họa, dẫn đến 1,19 triệu người thiệt mạng và tổn thất ở mức 1,6 nghìn tỷ USD trong 20 năm trước đó.

Lê Thảo (Lược dịch từ Straits Times & Reuters)