Thanh niên Quảng Điền ra quân thu dọn rác thải

Tích cực thu gom

Hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, những ngày cuối tuần, từ sáng sớm, người dân xã Hương Phong (TX. Hương Trà) ra quân thu dọn, xử lý rác thải trên các xứ đồng.

Anh Đặng Duy Minh ở xã Hương Phong ý thức: Nguồn chất thải, bao bì từ sản xuất nông nghiệp, thêm một lượng chai bia khá dày đặc trên đồng ruộng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đến mùa thu hoạch, máy cơ giới gặp nhiều khó khăn khi gặt lúa, thường hư hỏng thiết bị máy móc do vấp phải chai bia. Mùa bão, lũ về, chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) dạt vào khu dân cư, nhà dân gây ô nhiễm môi trường.

Trong hai ngày cuối tuần này, một lượng lớn chai bia, bao bì, chai lọ thuốc BVTV, rác thải trên đồng ruộng được người dân Hương Phong thu dọn, xử lý. Hiện nay, trên các xứ đồng ở Hương Phong vẫn còn một lượng lớn vỏ chai bia, bao bì, chai lọ thuốc BVTV cần tiếp tục thu gom, xử lý.

Qua các hoạt động vệ sinh môi trường, chị Trần Thị Mỹ Hằng ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) nhận thấy, nhiều khó khăn, bất cập trong xử lý, sử dụng chất thải từ chăn nuôi, xả thải chai lọ thuốc BVTV bừa bãi trên đồng ruộng. Nạn trâu bò thả rông thải phân trên các tuyến đường là những nguyên nhân gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khu dân cư. Những ngày cuối tuần này, ngoài thu gom rác thải, chất thải, người dân còn được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn cách xử lý, sử dụng chất thải từ chăn nuôi vào sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý.

Bà Phan Thị Châu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước chia sẻ, từ khi thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, người dân địa phương luôn tích cực hưởng ứng, tham gia. Phong trào không chỉ diễn ra những ngày cuối tuần mà cả các ngày trong tuần. Một lượng lớn rác thải từ sinh hoạt, sản xuất trên các tuyến đường, khu dân cư, đồng ruộng được người dân thu gom. Điều quan trọng hơn hết là nhận thức của người dân được nâng lên đáng kể, thói quen xả rác bừa bãi dần xóa bỏ, chuyển sang xử lý đúng nơi quy định.

Nâng cao nhận thức, sản xuất an toàn

Ông Nguyễn Phước Thọ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT đánh giá, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương được quan tâm. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn được nhiều địa phương tích cực triển khai. Tính riêng trong hai ngày cuối tuần này, các địa phương thu gom hàng chục tấn rác, chai bia, chai lọ thuốc BVTV.

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều dạng mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các địa điểm trung chuyển như các doanh nghiệp, các tổ (đội), hợp tác xã… góp phần từng bước xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải rắn. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại khu vực nông thôn đạt 65%. Đặc biệt, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã lan tỏa, góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Các địa phương tổ chức cho cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 80/97 xã đạt tiêu chí về môi trường.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn vẫn còn bất cập. Một lượng lớn bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn chưa được xử lý theo đúng quy định, do cơ sở được phép xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tại các địa phương chưa đảm bảo, còn ít. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 1 cơ sở (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế) đủ điều kiện xử lý nguồn rác thải. Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn còn phổ biến.

Việc sử dụng nguồn chất thải này chưa qua xử lý để bón phân cho cây trồng còn phổ biến là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, vẫn còn một số trang trại chăn nuôi lợn, bò hàng ngày xả trực tiếp ra môi trường một lượng chất thải chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi, giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cơ quan chức năng chưa phân tích các yếu tố khác như kim loại nặng, thuốc BVTV, các chỉ tiêu gây ra bệnh thủy sản do vi khuẩn, virus, kí sinh trùng... Nội dung quan trắc và giám sát môi trường các cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa được thực hiện nên quản lý môi trường, dịch bệnh và giám sát người dân thực hiện các quy định chưa được sâu sát…

Để đảm bảo nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ông Thọ cho rằng cần tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc BVTV, từ đó hướng đến người dân sử dụng đúng cách, thu gom bao bì, chai lọ, xử lý, tiêu hủy đúng quy định. Áp dụng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, chế biến, giết mổ tập trung… là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa dùng thuốc BVTV, phân bón vô cơ. Đồng thời, xây dựng những khu vực thu gom và trung tâm xử lý rác thải từ thuốc BVTV, các chất độc nguy hiểm. Nguồn nhân lực, kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước liên quan cần được đầu tư thỏa đáng.

Bài, ảnh: Hoàng Thế