Ông mở ti-vi đúng lúc nhà đài đang phát chương trình “Gặp gỡ doanh nhân”. Tay vẫn cầm điều khiển từ xa và quên ngồi xuống ghế, ông đứng sững nhìn màn hình. Ở đó, cô phóng viên đang chuyện trò với ông chủ một doanh nghiệp, chắc chưa tới tuổi bốn mươi. Họ trao đổi về những thất bại và thành công, về văn hóa ứng xử và kinh nghiệm trong kinh doanh… Chuyện khá nhạt nhưng lại thu hút ông bởi người kể. Thoạt tiên, ông ngờ ngợ khi nhìn cái đầu trọc lóc, bóng đến soi gương được cùng giọng sôi nổi, tự tin và tự nhiên hiếm thấy trên sóng truyền hình. Ông với tay lấy cái kính để trên bàn tròng vội vào rồi căng mắt nhìn dòng chữ hiện dưới màn hình “Ông Huỳnh Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thái Thịnh”. Ông giật mình, cho âm lượng ti-vi to lên, miệng lẩm bẩm: “Hóa ra là cậu ấy!”.

Khi ông còn làm giám đốc Công ty xây dựng Tiến Thành thì Huỳnh Vũ vừa tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về, làm trưởng phòng kế hoạch của công ty. Không chỉ kiến thức mà cả phong cách của chàng kỹ sư này cũng lạ đối với ông. Là cấp dưới nhưng lần đầu diện kiến sếp, cậu bắt tay chừng mực, nếu đo được thì chắc chỉ có một nửa thân thiện; không nắm chặt bằng hai tay rồi lắc lắc, càng không gập người bắt tay cấp trên như ông thường thấy. Gặp sếp, cậu đĩnh đạc từ dáng đứng đến cách ngồi, hoàn toàn không xoa xoa hai bàn tay vào nhau hay cúi thấp, càng không có cử chỉ hay lời nói lấy lòng cấp trên. Khi Vũ trao đổi công việc, ông cảm tưởng cậu ta coi mình bằng vai phải lứa; không liên tục “báo cáo anh” hay “kính trình”; không luôn mồm “dạ thưa sếp” như ông đã quen. Đặc biệt, dù đưa ra ý kiến ngược với sếp, Vũ cũng chẳng mất thời giờ vòng vèo, lạng lách mà thẳng băng luôn; có khi tranh luận tưng bừng, ngang ngửa. Ông không ưa cái kiểu “dân chủ quá trớn”, coi thường tôn ti trật tự như thế, nhưng hai vị phó giám đốc công ty bảo đó là người tài, nên trọng dụng. Lý trí mách ông làm theo lời khuyên ấy nhưng cảm xúc chẳng song hành, thành ra ông tự mâu thuẫn khi nghĩ về Huỳnh Vũ… Thế là đã hơn mười năm, ông mới thấy lại anh ta.

Trên màn hình, nữ phóng viên tiếp tục phỏng vấn Huỳnh Vũ: “Trước khi trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp lớn, anh từng giúp việc cho lãnh đạo. Theo anh, phẩm chất nào cần nhất đối với một “mưu sĩ?”. Vũ  tươi cười, đáp gọn: “Ngoài khả năng chuyên môn, sự trung thực thẳng thắn là rất cần thiết.” Anh nói thêm, người lãnh đạo sáng suốt thì chẳng cần kẻ giúp việc vật vờ như cái bóng của chính mình hay lựa lời vuốt ve ý sếp; trong khi mong cầu những thuộc cấp có thể bổ sung, hoàn thiện những gì mình còn yếu kém. Ngược lại, người ưa nịnh hót hay năng lực mức độ thì rất thích cấp dưới dễ bảo; đã thế thường bị kẻ xấu ru ngủ và dẫn dắt, có khi hỏng việc mới hay. Với người giúp việc, chỉ tác dụng khi đề xuất được những cao kiến và không ngần ngại bảo vệ chính kiến của mình, ngay cả lúc không hợp ý thủ trưởng.

Anh ta quả là nhất quán giữa nói và làm. Khi là thuộc cấp của ông, Vũ có nhiều sáng kiến nhưng không phải lúc nào cũng được hoan nghênh. Anh đề xuất công ty chủ động khai thác, chế biến một số vật liệu để tạo nên quy trình khép kín trong xây dựng nhằm mở rộng quy mô doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm. Anh lại đưa ra đề án sáp nhập phòng ban cơ quan, giảm lao động gián tiếp nhằm bớt chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của công ty. Bị giám đốc bác nhưng anh không nản, vẫn thẳng thắn đề nghị những việc nên hoặc không nên của công ty. Ở chiều ngược lại, Vũ kiên quyết can gián chủ trương của giám đốc mở rộng ngành nghề kinh doanh và bố trí người thân ở phòng kế toán. Lời trung thực bị gạt phăng, anh lại làm văn bản trình giám đốc, nói rõ lý do phản đối, dẫn cả quy định pháp luật để bảo vệ lý lẽ của mình. Hình như cảm xúc đã lấn át, giám đốc nhăn mặt, xua tay, từ chối lời tâm huyết; từ chối luôn người đưa ra những lời ấy. Huỳnh Vũ ngơ ngác rồi mỉm cười chua chát, chia tay công ty trong sự nuối tiếc của nhiều người.

Nữ phóng viên tiếp lời khách mời: “Anh vừa nói đến sự trung thực thẳng thắn trong tham mưu. Nhưng không phải thủ trưởng nào cũng thích nghe những lời nói ngược…”. Vũ lặng trong giây lát, giọng buồn chậm rãi: “Quả đúng như lời chị. Tôi từng gặp và lấy làm tiếc cho những lãnh đạo không lắng nghe ý kiến trái chiều. Những người ấy hoặc là tự phụ hay bảo thủ thái quá, cũng có thể tự ái khi thấy thuộc cấp hơn mình trong vấn đề nào đó. Đã vậy, họ khác nào tự làm nghèo kiến thức, tự đóng khung tư duy của mình. Tôi nghĩ, đó không phải là người lãnh đạo giỏi”.

Ông giật mình, quay mặt tránh ti-vi, cứ như sợ người trên màn hình nhận ra sự biến sắc của mình. Những lời mông lung kia như ám chỉ, như dành cho ông vậy; nó khiến ông nhớ lại lần vấp ngã đau đớn… Khi cấp trên tổ chức thanh tra công ty, ông hoang mang; những sai phạm mà Vũ từng cảnh báo, cản ngăn giờ đang lộ sáng. Mảng kinh doanh nhà hàng khách sạn và bất động sản theo chủ trương của ông được xác định là trái ngành đã đăng ký, lại thua lỗ nặng, khiến công ty chao đảo. Trách nhiệm được san cho tập thể chút ít, phần nhiều dồn vào giám đốc, đương nhiên. Ông cúi đầu hối lỗi bằng những lời đắng cay cùng nét mặt đưa đám. Chưa hết, thanh tra sờ tới phòng kế toán, lại tòi ra một đống sai phạm, từ việc cân đối sổ sách đến thanh quyết toán, từ thực hiện các quy định tài chính kế toán đến chứng từ hóa đơn. Khi kiểm điểm, kế toán viên thú thật là chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn. Đã thế, sao lại bố trí quản lý hầu bao doanh nghiệp? Thắc mắc được giải đáp khi giám đốc nhận lấy trách nhiệm, nhận luôn việc có nhiều nhân viên kế toán là người thân… Hết đường né, cũng chẳng thể yên vị, ông bẽ bàng nhìn xuống chiếc ghế phó chánh văn phòng tổng công ty.

Trên màn hình, cuộc trò chuyện giữa nữ phóng viên và giám đốc Huỳnh Vũ vẫn tiếp tục với văn hóa ứng xử trong kinh doanh. Giọng phỏng vấn sôi nổi: “Thưa anh, người lãnh đạo không thể đem lại sự hài lòng cho tất cả. Ngược lại, cũng có nhiều người, thậm chí là cấp trên khiến người người lãnh đạo không hài lòng. Anh sẽ thế nào khi làm việc với người mình không hợp, thậm chí không thích?”. Huỳnh Vũ mỉm cười: “Tôi nghĩ, những người ấy chỉ thoáng qua đời mình nên không cố chấp, cũng không né tránh. Nếu mình chạy trốn trước những người như thế thì khác nào tự nhận là kẻ yếu thế, không dám đối diện với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống và công việc”.

Ông nóng bừng cả người, thêm một lần cảm thấy những lời kia như dành cho riêng mình. Nỗi hổ thẹn dâng đầy khiến ông bứt rứt, khó thở. Ông hồi tưởng lại chặng đường tụt dốc từ khi làm phó chánh văn phòng tổng công ty… Sẵn nỗi buồn mất chức cộng với sự bỡ ngỡ công việc khiến ông càng khó ở với cấp trên trực tiếp là chánh văn phòng. Vị này sâu sát, tỉ mỉ đến từng dấu chấm phẩy hay lỗi chính tả trong văn bản; lại đòi hỏi cấp dưới tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc, nội quy làm việc. Nói chung, ông ấy hay “nội soi”, kể cả tiểu tiết. Đến cấp phó, chánh văn phòng cũng chẳng ngần ngại nhắc thẳng trong hội nghị giao ban khiến ông càng mặc cảm. Ông bức bối, bất bình nhưng không dám bật lại cấp trên. Nhiều đêm mất ngủ, ông tự vỗ về, xoa dịu nhằm bỏ qua buồn bực, lấy lại cân bằng cho lòng mình. Cũng chỉ được tạm thời như xoa thuốc giảm đau; cái chính là làm việc cùng cấp trên không hợp cứ khiến ông dai dẳng phập phồng, buồn lo lẫn lộn. Sự chán nản cứ tích tụ, cộng hưởng, nhân lên. Sau cùng, ông tự giải phóng bằng lá đơn xin về hưu trước tuổi.

Trên màn hình, Huỳnh Vũ hào hứng nói về sự trỗi dậy, vươn lên sau những thất bại. Anh bảo, nếu vấp ngã rồi buông xuôi thì đấy là sự thất bại ngay trong suy nghĩ của chính mình; đã vậy, đừng mong thành công. Giọng sôi nổi cùng nét mặt ngời ngời tự tin của Vũ khiến ông chột dạ, khẽ cúi xuống nhìn lại mình rồi bất giác buông tiếng thở dài. Nghe chỉ thêm xót xa khi vận vào mình nên ông tắt ti-vi, ngồi lặng trong bóng tối vây quanh.

Ông nghĩ lan man rồi ngầm so mình với người từng là thuộc cấp kia, giống như những kẻ ngược xuôi đôi ngả; và kết quả, tất phải khác thôi.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT