Nhân nhắc tới Huyền Không Sơn Thượng, thế là lại phải lặn lội đi Chầm. Nói lặn lội hơi quá, vì từ nhà lên Chầm chưa đến cây số nhưng quả thực vượt qua đường tránh với những con xe tải đồ sộ, rồi cả một quãng đồng không mông quạnh, dẫu gần nhưng xa xôi lạ lẫm. Chầm là một mảnh đất dường như chả liên quan gì đến Huế, từ cái tên đến con ngõ ngôi nhà. Bao năm qua, xứ ấy vẫn tồn tại một cách đường hoàng trật tự như một địa chỉ mà người ta luôn để ý ít nhiều.

Dựng xe ven đường, tạt vào bờ ruộng bắp ngồi cho mát. Buổi sáng ở Chầm sẽ thật hoàn hảo nếu không có tiếng còi xe tải vọng vào từ đường tránh. Nhưng mà kệ, nhắm mắt lại đi, mùi cây cỏ trong sương sớm thơm non quá đỗi. Lúa chuẩn bị làm đòng và bắp bắt đầu ra trái, lác đác có mấy khoảnh ruộng trồng hoa dơn lóe lên những đốm hồng như một dấu son kín đáo ở vùng bờ xôi ruộng mật này. Cả một vùng đồng xanh hiện ra, đủ sức nuốt chửng cả những xiêu vẹo chói chang của con nắng đang chực chờ hé tới. Dáng dấp lực điền của người đàn ông đang cuốc đất vạm vỡ đến nỗi dường như che cả bóng bà vợ đang lúi húi nhặt cỏ. Họ cặm cụi làm và không đối thoại gì nhiều. “Anh là sấm, em là sét” – câu hát trong sử thi Tây Nguyên nghe tưởng xa xôi mà lại thấy gần gặn thoáng chốc với đôi vợ chồng này.

Khi một mình, người ta thường có những hành vi rất thật. Dưới gốc cây kia, bà cụ già bán vé số bỏ mớ tiền ra đếm rất kỹ càng, đếm đi đếm lại, cuộn riêng thành từng khoản. Khoản này đi kỵ, khoản này cho dâu sắp đi đẻ, khoản này cho cháu, còn một khoản, đâu như mấy chục ngàn, bảo để may áo mới. Mình mới nhiều chuyện hỏi, nhiêu đây sao đủ hả mệ, con biếu mệ thêm cho đủ nhé. Cụ xua tay nói tui không nhận tiền của ai hết, nếu cô muốn giúp thì mua cho tui mấy tờ vé số là tui vui quá rồi. Lần đầu tiên trong đời mình “chi mạnh tay” mua hẳn mười tờ vé số, chứ trước giờ ba cái trò đen đỏ này nào có hứng để tâm. Cây đang mùa thay lá mới, những lộc non màu đồng điếu trổ ra những hy vọng cỏn con của người nữ già còn nặng gánh chợ đời cơm áo.

Chiều nay mưa. Cơn mưa này đến thật đúng lúc. Thật ra chỉ cần sấm chớp báo sẽ mưa thôi, là đã khiến mình hồi hộp từ lúc ấy rồi. Mình thích nghe tiếng mưa xuân, nhẫn nại, ân cần và chịu thương chịu khó. Nó mang đến một cảm giác của sự thanh tẩy và hồi sinh. Ngồi với Thuỷ ở cafe Đời Thường nhâm nhi một tách nâu nóng, trong tiếng nhạc khá nhàu nhĩ và quá hợp để chán đời. Hai đứa ngồi bên nhau, không buồn không vui nhưng nghe rõ từng cơn thở dài buốt ruột. Quán nằm ở lưng Chầm, nhiều cây xanh và lặng yên như một ngôi nhà trong thung lũng. Không gian mộc mạc vô cùng, của gỗ, của tranh và cả mùi oi nồng của ánh nắng chưa nguội quyện vào nước mưa. Có tiếng gió rủ nhau về xào xạc, trên những ngọn khế đang đổ hoa chúm chím. Mùa xuân còn hiện hữu nơi này, bên những mái nhà im lìm sau giờ cơm nước.

Sự chú ý dành cho xứ này, chắc chắn không nằm ở cảnh trí thiên nhiên hay đại khái những khuôn hình giống thế, mà nằm ở những cựa quậy chật vật đời thường. Mang tay lưới đi đánh cá từ khi mặt trời chưa rạng, người đàn ông ấy biết rằng, trôi theo cuộc đời sẽ là những ngày tháng lênh đênh sông nước, thảng hoặc ít khi mới được lên bờ về nhà ở Chầm thăm vợ con. Anh bảo vì ở Chầm trồng cây không đủ ăn nên mua thuyền lên thượng nguồn sông Hương đánh cá, thuê đất trồng ngũ cốc kiếm thêm thu nhập. Anh chịu đựng xa vợ con và cố gắng thuyết phục bản thân khước từ cô đơn để con cái không phải sống đời giống mình. Thế đấy, mình đang sống trong cái thật cùng họ mà cứ nghĩ mình mơ hồ đâu đó xa xăm…

NGUYÊN HƯƠNG