Doanh thu không đủ bù chi phí nguyên liệu

Ngư dân Thuận An chuẩn bị hầm bảo quản hải sản trước chuyến biển

Đầu  vụ này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ khấp khởi hy vọng bởi thông thường vụ cá Nam sẽ mang lại sản lượng cao. Ông La Có (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) bảo, ngoài cải hoán tàu cá, trang bị các thiết bị hiện đại thì yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong hành trình bám biển.

Không chỉ ông Có, hầu như các chủ tàu đánh bắt xa bờ đều gặp khó trong khâu kêu gọi nhân lực. Lý do mà họ đưa ra thật đơn giản, ngoài sự không mặn mà của thế hệ trẻ, sản lượng đánh bắt thấp khiến nhiều ngư dân mất đi bạn tàu.

Bây giờ, nhiều tàu cá cơ bản “gom” đủ bạn tàu để bắt đầu hành trình vươn khơi, riêng ông Có đây là chuyến biển thứ 3 trở về trong vụ cá Nam. Hai chuyến biển trước, con tàu hơn 800 mã lực với 9 thuyền viên cập bến thu về sản lượng không đáng là bao. Chuyến thứ 3 cũng không khá hơn khi tàu ông Có chỉ đánh bắt được mấy chục cân cá bã trầu, chù… Doanh thu không bằng chi phí nguyên liệu, xăng dầu. “Mới đầu vụ cá nhưng sản lượng quá thấp, không đủ chi phí vươn khơi. Bạn tàu cũng không được chia đồng nào dù lênh đênh sóng nước gần cả tuần”, ông Có than thở.

Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu khiến trữ lượng hải sản giảm sút đáng kể. Không chỉ ngư dân Thừa Thiên Huế mà ở nhiều tỉnh thành khác cũng đang gặp khó khăn và ngay trong vụ cá Nam này, sản lượng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.

Không phủ nhận sự chuyển mình của ngư dân khi họ đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại như ngư cụ hay máy dò cá, song bài toán tăng năng lực đánh bắt để tạo ra sản lượng lớn vẫn còn nhiều trăn trở. Không hiếm tàu cá nằm bờ, thậm chí tàu đánh bắt xa bờ đóng theo Nghị định 67 cũng không trả nổi nợ ngân hàng. Ông Trần Quang (thị trấn Thuận An) chia sẻ: “Nếu như trước đây sau mỗi chuyến biến chúng tôi thu về hàng tấn cá thì này chỉ vài tạ là cùng. Điển hình như tàu của tôi sau chuyến biển vừa rồi chỉ khai thác được vài chục cân”.

Ngoài trữ lượng lẫn chất lượng hải sản có dấu hiệu thụt lùi thì theo ngư dân, vấn nạn tàu giã hoành hành khiến nguồn lợi thủy sản bị mất đi mà không thể tái tạo.

Toàn tỉnh hiện đang có 396 tàu cá đánh bắt xa bờ dài trên 15m, sản lượng hàng năm ước vào khoảng 38.000 tấn. Dẫu chưa có con số thống kê chính xác, song sản lượng đầu vụ này giảm đi trông thấy. Chia sẻ về điều này, ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Cảng cá Thuận An nói: “Ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng kỳ năm trước, sản lượng đã rất thấp nhưng nay còn thấp hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, ngư dân sẽ rất khó để xoay xở chi phí để tiếp tục vươn khơi”.

Các cơ sở cấp đông đang thiếu hàng

Hụt hàng

Nghề đánh bắt xa bờ đang tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín. Khi mà ngư dân gặp khó trên biển thì phía bến cảng, nhiều người cũng lao đao theo

Tại Cảng cá Thuận An hiện đang có 2 cơ sở cấp đông, họ chính là đầu mối tiêu thụ lớn cho ngư dân. Trước mỗi chuyến vươn khơi đã có những thỏa thuận giữa chủ tàu cá và cơ sơ sở cấp đông, nhưng khi ngư dân không bắt được cá thì kho lạnh cấp đông vẫn phải để trống.

Những năm trở lại đây, dẫu không rầm rộ nhưng cơ sở cấp đông Chính Thủy (thị trấn Thuận An) cũng đầu tư một số công nghệ bảo quản cá và xây dựng thêm hầm cấp đông. Tình trạng cá tồn kho mấy năm trước khiến họ phải “cắn răn” đầu tư kho lạnh để giải bài toán dự trữ. Nhưng bây giờ, kho lạnh đang trống hàng. “Tàu đánh bắt không có thì lấy đâu hàng. Cơ sở của tôi cũng hợp đồng một số tàu “ruột”  để cung cấp nguồn đầu vào, đảm bảo việc lưu thông. Song, tàu đánh bắt khó khăn khiến chúng tôi cũng lao đao”, ông Trương Văn Thoại – Cơ sở cấp đông Chính Thủy cho biết.

Người ta đang nói nhiều về công nghệ bảo quản sau khai thác để tăng giá trị sản phẩm của ngư dân. Song, khi sản lượng sụt giảm thì nhiều cơ sở cấp đông cho rằng, việc đầu tư sẽ trở nên dư thừa. Ông Nguyễn Văn Thế, chủ Cơ sở kho lạnh Tám Thế (thị trấn Thuận An) khẳng định, với sản lượng đánh bắt của ngư dân trong tỉnh hiện nay, cơ sở ông đủ năng lực để thu mua, dự trữ sản phẩm của ngư dân. “Hiện nay, ngư dân bảo quản cá chủ yếu bằng khoang làm lạnh tự chế, do vậy sau một số chuyến biển dài ngày thì chất lượng hải sản không đảm bảo, khi thu mua chúng tôi cũng phân loại nguồn hàng để định giá. Đối với vụ cá Nam năm nay, dẫu thời gian vẫn còn nhưng đến lúc này, nhiều tàu cá đang thất bát”, ông Thế nói.

Theo các nhà chuyên môn, tình trạng đánh bắt tại các vùng cấm, khai thác không hợp lý cộng với hệ sinh thái biển bị suy giảm là tác nhân gây nên sản lượng hải sản sụt giảm. Hiện nay, để tăng năng lực cho tàu đánh bắt xa bờ, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ về xăng dầu, công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có nhiều động thái để phục hồi nguồn lợi thủy sản trên biển. “Đối với Thừa Thiên Huế, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân tăng năng lực đánh bắt, đồng thời tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản đến ngư dân để họ thay đổi nhận thưc. Những khu vực bảo tồn, cấm khai thác thì ngư dân phải chấp hành nghiêm túc”, ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ.

Bài, ảnh: L. Thọ