Lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân

Ước tính của ngành y tế, mỗi năm có khoảng 170.000 người mắc lao tại Việt Nam và chỉ có hơn 100.000 người được phát hiện và điều trị trong Chương trình Chống lao Quốc gia. Vẫn còn khoảng 50.000 người mắc bệnh lao không được chẩn đoán trong cộng đồng và khoảng 20.000 trường hợp đã được chẩn đoán bệnh nhưng không được báo cáo trong hệ thống lao quốc gia. Việc ra đời Chiến lược 2X trong phát hiện bệnh lao - hiệu quả gấp 7 lần so với phát hiện thụ động - sẽ giúp mục tiêu thanh toán bệnh lao của Việt Nam vào năm 2030 sớm trở thành hiện thực.

PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã nhấn mạnh, giống như dịch bệnh COVID-19 hiện nay, lao cũng là bệnh truyền nhiễm, việc phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng. Với chiến lược 2X, việc phát hiện sớm người nhiễm lão sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn cho cả người bệnh và cộng đồng. Người bệnh được chữa khỏi bệnh nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện, giảm thời gian nghỉ việc, đặc biệt giảm nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng, từ đó sẽ giảm nhanh số người mắc lao mới. Nếu hết nguồn lây, bệnh lao sẽ chấm dứt. Đây là niềm mơ ước của cả Việt Nam và thế giới.

Việt Nam đang là nước đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong cam kết của mình nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, thông qua thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao vào tháng 12/2019. Chiến lược 2X - công cụ mới giúp Việt Nam chủ động thực hiện có hiệu quả mục tiêu chấm dứt bệnh lao trong nước vào năm 2030.

Trong tình hình hiện nay, Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế được giao thực hiện nhiệm vụ kép, vừa khám chữa các bệnh về phổi, chỉ đạo chương trình phòng chống lao trên địa bàn vừa phòng chống COVID-19. Từ hỗ trợ của Chương trình Chống lao quốc gia, sáng 26/3 vừa qua, Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế đã lần đầu tiên tiến hành việc lấy mẫu bệnh phẩm và tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng hệ thống Gene Xpert cho một bệnh nhân nội trú đến từ TP. Hải Phòng. Lao và COVID-19 đều là những bệnh truyền nhiễm và có nhiều điểm tương đồng. Bệnh lao được chẩn đoán bằng xét nghiệm Gene Xpert; trong khi, Gene Xpert là một xét nghiệm sinh học phân tử, bản chất cũng là xét nghiệm Real-Time PCR. Kỹ thuật này không chỉ phát hiện vi khuẩn lao, xác định vi khuẩn lao có kháng thuốc hay không, mà còn có thể phát hiện cả virus SARS-CoV-2.

Hệ thống Gene Xpert đã được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao với độ đặc hiệu và độ nhạy rất cao trong mạng lưới phòng chống lao Việt Nam từ năm 2012. Từ đầu năm 2021, hệ thống Gene Xpert đã bắt đầu được ứng dụng để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng bộ kit Xpert Xpress SARS-CoV-2 tại các Bệnh viện Phổi thuộc mạng lưới Chương trình Chống lao Quốc gia. Năm 2020, tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 1.171 trường hợp, giảm 7,9% so với năm 2019, tuy nhiên đạt 101% kế hoạch năm.

Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, năm nay Bệnh viện Phổi tỉnh tiếp tục duy trì và tăng cường triển khai các hoạt động thường quy Chương trình phòng, chống lao và Chương trình phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản; trong đó, bắt đầu lộ trình triển khai “Chiến lược 2X” tại hai địa phương là TP. Huế và thị xã Hương Thủy.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN