Có lần người bạn kể cho tôi nghe chuyện về người mạ thân yêu của mình:

- Mạ ơi mạ? Mạ có nhớ thằng Cường sinh ngày mô, tháng mô, năm mô không?

- Dớ (nhớ) chơ răng mà khung (không) dớ, đừng có hỏi ngờ ngơ con!

- Rứa ngày mô mạ hè?

- Tao dớ đẻ mi là dưới sân hợp tác xã hay chiếu phim tê nạ. Mi đẻ một lần với con trâu của hợp tác!

Chuyện hay quá. Đúng chất mẹ quê, nhớ ngày con ra đời cùng ngày với con trâu của hợp tác xã. Vùng quê Quảng Bình những năm chiến tranh, một con trâu ra đời mang theo bao điều vui, bao hy vọng cho cơ nghiệp người nông dân trong bom rơi đạn nổ. Để cùng ngày với con trâu là trí nhớ của mẹ già dành cho con... Mà hồi đó, hoàn cảnh chiến tranh, bom rơi đạn nổ, thiếu thốn muôn bề; những bà mẹ nghèo ở nông thôn đôi khi phải tự đỡ đẻ cho mình nếu lỡ may chuyển dạ nhanh quá mà không tìm được bà mụ...

Hồi còn sống, mạ tôi không kể chuyện tôi được sinh ra như thế nào. Nhưng mạ vẫn hay kể cho tôi nghe chuyện vui cái ngày đi tản cư vì chiến tranh, khi đó tôi khoảng 8 tháng tuổi, vừa mới biết ngồi. Sợ con không quen ngồi trong đôi triêng gióng để gánh đi, nên chiều hôm trước mạ bỏ tôi trong chiếc rổ, đầu kia là cục đá để tập cho quen với sự chòng chành của triêng gióng đường xa.

Ai ngờ sáng sớm mai ra, mạ gánh tôi cùng với mấy đồ gia dụng chạy tản cư, thằng bé tôi thích chí quá nên cứ cười hoài, khi mẹ dừng nghỉ chân là khóc ré lên đòi được gánh đi tiếp. Rứa là mạ phải gánh gồng đường xa trên đoạn đường gần 10 cây số mà không được nghỉ chân...

Tôi cũng có lần chứng kiến mạ sinh đứa em gái kế út. Bữa sáng sớm hôm đó trời mùa đông giá buốt, mạ vừa bước ra gần bếp lửa để thổi cơm sớm cho cả nhà thì em bé cũng ra luôn mà không kịp trở tay. Ba tôi quớ đuốc quớ đèn nên phải kêu bà cố ở cạnh nhà xuống giúp đỡ. Bà cố vốn nhiều kinh nghiệm sinh đẻ nên đã nhanh tay dùng cái liềm cắt rốn cho em. Thật may là bé em của tôi chẳng bị nhiễm trùng chi cả...

Hồi đó, phụ nữ ở làng quê coi chuyện sinh đẻ không như bây chừ. Có những người phụ nữ ra đồng làm ruộng, trở dạ đẻ ngay trên bờ, sau đó mới kêu người nhà tới gánh về. Có những người gánh hàng đi chợ đẻ con ngay giữa chợ đông. Nhưng phụ nữ mang thai kiêng kỵ nhất là đi ngang qua những đàn trâu bên đường; bởi vì nếu không may, bị con trâu nào đó vẫy cái đuôi trúng ngay bụng thì đẻ con sẽ rất khó...

Mạ tôi sinh 6 đứa con. Đứa em kế sinh ra khi tôi mới 2 tuổi nên không nhớ chi cả. Từ đứa em thứ ba đến đứa út mỗi lần mạ sinh tôi đều biết cả. Nhớ những lần theo ba tới nhà sinh của làng thăm mạ, thăm em bé mới chào đời. Những căn phòng tranh tre tạm bợ tuềnh toàng gắn liền với tên những bà mụ là mụ Thới, mụ Chột hay mụ Tĩnh. Tôi nghe người làng kể chuyện mụ Thới đêm khuya đi đỡ đẻ gặp ma chặn đường, mụ nói tỉnh bơ: “Tránh ra cho tui đi làm phước!”, rứa là con ma biến mất. Tôi lại nhớ bàn tay ân cần của mụ Tĩnh tắm cho đứa em tôi, rồi tự mụ nấu lá bóp sữa cho mạ. Công việc của những bà mụ ở làng quê hồi đó là công việc khó, đòi hỏi phải có đôi bàn tay khéo léo và cả tình thương ân cần lắm đối với những bà mẹ và những đứa bé sơ sinh...

Bây chừ, y học tiến bộ, chuyện những bà mụ đỡ đẻ nghe kể lại cứ như là chuyện đã từ đời nảo đời nào rồi. Đã có những tháng năm, những đứa trẻ làng quê nghèo của tôi ra đời trên những bàn tay ấm áp, lòng từ tâm của những bà mụ. Họ như những bà tiên nhân từ hiện diện ở cuộc đời đỡ đẻ bằng những phương pháp và bài thuốc dân gian cổ truyền. Thế nên dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, y học hiện đại hơn và các trung tâm y tế, trạm y tế đã hiện diện tận cơ sở, hỗ trợ và can thiệp kịp thời mọi vấn đề liên quan đến sức khỏe cho người dân nhưng những bà mụ thời trước vẫn còn trong ký ức và luôn được dân làng kính trọng.

Phi Tân