Hoạt động thi nấu ăn của học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng. Ảnh: MC

Trường THPT Hai Bà Trưng được chọn là điểm khởi đầu cho sự khôi phục này, sau đó nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đây là một vinh dự cho nhà trường. Tuy nhiên, việc phục hồi môn học này là một việc làm không phải một sớm một chiều, đòi hỏi sự tâm huyết, sự nỗ lực cao của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường cũng như sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo các cấp, sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị hữu quan.

Trong xu thế phát triển và hội nhập, ngành giáo dục cần khôi phục lại những nét đẹp văn hóa truyền thống để từ đó giáo dục cho học sinh những bài học nhân sinh sâu sắc, bồi dưỡng cho các em lòng tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở, làm hành trang cho các em vào đời. Việc dạy kỹ năng gia chánh cho học sinh là một việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong đổi mới giáo dục, tôi quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh... Một trong những vấn đề tôi đặt ra là phải dạy những kỹ năng bình thường nhất trong cuộc sống mà các trường ở Huế từng dạy, đó là nấu ăn, làm quà tặng, thiệp chúc tết... Học ăn, học nói, học gói, học mở cũng là một trong những kỹ năng quan trọng mà mỗi học sinh cần phải có trong cuộc sống bình thường. Đưa môn học nữ công gia chánh trở lại trường học là việc làm cấp bách. Phương châm là vừa học, vừa chơi, vừa trải nghiệm, tạo hứng thú cho các em”.

Để triển khai dạy môn học mới này, chắc sẽ có nhiều trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia, cựu giáo viên, học sinh Đồng Khánh cũng như dư luận xã hội quan tâm... Là một giáo viên nhà trường vốn rất tâm huyết với vấn đề này, tôi muốn chia sẻ đôi điều suy nghĩ về việc dạy kỹ năng gia chánh cho học sinh như thế nào cho hiệu quả.

Thứ nhất, sự khởi đầu trước mắt có thể thành lập một câu lạc bộ về chủ đề “Học sinh với văn hóa ẩm thực Huế”. Đoàn Thanh niên tăng cường tổ chức các cuộc thi về nấu ăn, ẩm thực để góp phần hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo về Văn hóa ẩm thực Huế  cho học sinh: Phát thanh, báo bảng, câu chuyện dưới cờ, trang thông tin Đoàn trường...

Thứ hai, sau khi chương trình “Giáo dục kỹ năng gia chánh” cho học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sẽ tiến hành cho dạy thí điểm vào đầu năm học 2021- 2022 theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Vẻ tinh tế trong món ăn Huế qua chế biến của các em học sinh. Ảnh: HV

Việc dạy kỹ năng gia chánh trước hết cần tập trung xây dựng các chuyên đề, các mô-đun kiến thức liên quan đến ẩm thực Huế, tổ chức tham quan, trải nghiệm tại nhà hàng, cơ sở làng nghề ẩm thực truyền thống Huế... Việc xây dựng các mô -đun kiến thức này cần thiết thực, độ khó tăng dần, phù hợp với điều kiện thời gian học tập của học sinh các khối lớp. Theo đó, khối lớp 10 sẽ học các chuyên đề như: giới thiệu về văn hóa ẩm thực Huế; cách chọn và bảo quản thực phẩm; cách cắt tỉa hoa từ rau, củ, quả... Khối lớp 11, có thể học các chuyên đề như: kỹ thuật chế biến các loại bánh Huế; kỹ thuật chế biến các món ăn đặc trưng của Huế... Khối 12 học các chuyên đề như: kỹ thuật chế biến một bữa cơm gia đình đơn giản; kỹ thuật sắp đặt bàn tiệc theo phong cách người Huế...

Việc dạy các kỹ năng gia chánh cần phải gắn với tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở, làng nghề ẩm thực truyền thống Huế; dạy lý thuyết gắn với thực hành và thuyết trình để tạo sức hấp dẫn, thiết thực và góp phần dần hình thành kỹ năng gia chánh cho học sinh. Phương châm vừa học, vừa chơi, vừa trải nghiệm là hướng tích cực và phù hợp nhất với đặc trưng môn học này. Cần luôn tạo cho các em tâm thế thoải mái, hào hứng và say mê trong quá trình học tập.

Sau khi học xong chương trình giáo dục kỹ năng gia chánh, các em biết chế biến được một số món ăn cơ bản của Huế, có thể đảm nhận được bữa ăn của gia đình. Đồng thời, qua đó hình thành cho các em một số kỹ năng sống cơ bản, giúp các em có hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế, bước đầu hình thành ở các em tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm hành trang vào đời.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên giảng dạy là một vấn đề cần quan tâm. Giáo viên cơ hữu của trường thiếu, tuy nhiên có thuận lợi là sự đồng hành của một lực lượng các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh – Hai Bà Trưng, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực ở Huế và sự hỗ trợ của Trường cao đẳng Du lịch Huế.

Thứ tư, sự hào hứng của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh học sinh và xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà, của lãnh đạo ngành giáo dục, của cựu giáo viên, học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường đã góp phần rất lớn thúc đẩy nhà trường nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này, để Hai Bà Trưng sẽ trở thành một điểm sáng trong giáo dục kỹ năng gia chánh cho học sinh.

Theo GS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam: “Sở dĩ Huế có thể đi đầu và đưa việc này (dạy nữ công gia chánh) vào thí điểm bởi nơi đây vốn là đất Cố đô, với những nền tảng có sẵn, vì vậy việc làm bây giờ chỉ là phục dựng lại thôi. Không những thế, với nhiều cựu nữ sinh Đồng Khánh lúc xưa và nay là cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng thì chúng ta cũng đã nhìn thấy đó là thế mạnh của họ. Từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng, những kỹ năng này họ vốn dĩ đã ngấm sẵn vào máu”.

Quả vậy, từ huyết mạch của những thế hệ giáo viên, học sinh Đồng Khánh – Hai Bà Trưng, chúng tôi mong rằng sự khôi phục trở lại dạy gia chánh trong nhà trường sẽ thành công, được mọi người và xã hội đồng thuận. Trường THPT Hai Bà Trưng sẽ trở thành điểm sáng, viết tiếp những ký ức đẹp một thời Đồng Khánh trong việc giáo dục kỹ năng sống và nữ công gia chánh để làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Nguyễn Thị Hoa Phượng