Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 ước tính xuất siêu 400 triệu USD và con số này trong cả quý 1 là 2,03 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý đầu tiên của năm nay, có 11 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện có trị giá xuất khẩu lớn nhất đạt 14,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2021 đã có những bước tăng trưởng đáng kể.

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3, tăng trưởng xuất  khẩu 22% trong quý 1 là tương đối cao so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia chỉ tăng 8,56%; Singapore tăng 1,1%; Hàn Quốc tăng 10,5%; Nhật Bản tăng 9% và Thái Lan giảm 1,16%...

Những kết quả đạt được của hoạt động thương mại trong thời gian qua đã và đang cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc phòng chống dịch bệnh song song với thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao đạt kết quả tích cực…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại thời gian tới xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa.

Cùng với đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Thời gian qua, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Báo Tin tức