Quang cảnh hoang tàn sau lũ ở thị trấn Adonara, phía đông đảo Flores (Indonesia). Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động

Máy bay trực thăng cũng đang thả thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác vào những ngôi nhà ở khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận, cùng lúc lực lượng cứu hộ dùng chó đánh hơi để tìm kiếm hàng chục người vẫn còn mất tích sau trận lũ lụt và lở đất xảy ra hồi cuối tuần qua.

Những cơn mưa xối xả từ cơn bão nhiệt đới Seroja, một trong những cơn bão có sức tàn phá nặng nề nhất đổ bộ vào khu vực nhiều năm qua đã hóa bùn nhiều cộng đồng dân cư của Indonesia, khiến cây bật gốc và buộc khoảng 10.000 người phải sơ tán, chạy trốn đến nơi trú ẩn.

Cơn bão đã quét một số tòa nhà xuống các sườn núi và càn quét đến khu vực bờ biển của đảo Lembata (Indonesia). Tai đây, một số cộng đồng nhỏ đã bị bão biến mất khỏi bản đồ.

Cơ quan Thảm họa Indonesia cho biết, những chú chó nghiệp vụ có khả năng đánh hơi sẽ đi khắp hàng núi đống đổ nát với hi vọng tìm thấy thi thể của 76 nạn nhân còn đang mất tích. Khoảng 120 người Indonesia được liệt kê vào nhóm đã thiệt mạng, trong khi con số thương vong được liệt kê ở Đông Timor là 34 người. Thủ đô Dili của Đông Timor hiện đang ngập trong nước lũ.

Cùng với tiến trình cứu hộ, cứu nạn được thực hiện khẩn trương, các nhà chức trách ở cả 2 quốc gia cũng đang chiến đấu để tránh sự lây lan của đại dịch COVID-19 bùng phát ở những khu vực trú ẩn chật chội.

Trước đó, vào năm 2020, Đông Timor đã nhanh chóng đóng cửa biên giới để tránh một đợt bùng dịch lan rộng, đe dọa áp đảo hệ thống y tế vẫn còn yếu kém của đất nước.

Được biết, sạt lở đất và lũ quét vẫn thường xảy ra liên tiếp trên khắp quần đảo Indonesia trong mùa mưa. Cụ thể, vào tháng 1, lũ lụt đã ập đến thị trấn Sumedang, Tây Java của Indonesia, khiến 40 người thiệt mạng. Tháng 9/2020, ít nhất 11 người cũng bị cướp đi sinh mạng trọng các trận lở đất ở Borneo. Cơ quan Thảm họa Indonesia ước tính có khoảng 125 triệu người Indonesia, chiếm gần 1/2 dân số đất nước sống trong những khu vực có nguy cơ bị sạt lở.

Các nhà môi trường nhận định, thảm họa này là hậu quả do hoạt động chặt phá rừng diễn ra thường xuyên.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)