Đô thị Huế ngày càng xanh - sạch - sáng. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Tôi cảm nhận như là một cách nói nôm na nhưng chứa đựng tính khái quát rất cao. Ở đây có người dân, có xã hội và có chính quyền. Có lẽ mọi xã hội đều như vậy thôi. Chính quyền nào chẳng mong người dân có một cuộc sống sung túc, xã hội thịnh vượng, cuộc sống bình yên. Và người dân nào lại chẳng mong một chính quyền như là “người bạn” – luôn hỗ trợ và sát cánh với người dân và doanh nghiệp trong mọi vấn đề của sự thuận lợi và phát triển.

Nhưng lẽ đời, nói bao giờ cũng dễ. Làm mới là vấn đề khó. Và may mắn là Huế đã làm được rất nhiều việc cho việc xây dựng giấc mơ của mình, đặc biệt là những năm gần đây.

Trước tiên hãy nói về không gian Huế. Du khách thì không biết thế nào nhưng người dân Huế cảm nhận rất rõ những thay đổi của bộ mặt đô thị Huế, ngày càng đẹp hơn, lạ lẫm hơn, “sang chảnh” hơn. Thì cứ đi dọc sông Hương - “cái lõi” của đô thị, vào mỗi buổi sớm mai hoặc chiều muộn mà xem, nó đẹp đến ngỡ ngàng. Không đẹp thì người ta đã không tụ tập về đây để rong chơi, bách bộ, chụp hình, check-in… Trường Tiền là cây cầu quá nổi tiếng, giờ thêm hai cây cầu gỗ nữa - một thẳng một hình bán nguyệt đã thấy lạ lẫm rồi. Đáng để mà “seo phì”. Người dân, du khách “seo phì” thì những hình ảnh của Huế càng thêm lan xa chứ sao? Rồi nói về cây xanh. Chẳng có đô thị loại I nào đạt mật độ cây xanh như ở Huế. Tính riêng cây xanh đô thị đã tròm trèm 13m2/đầu người. Nếu tính luôn cây vườn thì vào khoảng 20m2. Xây dựng được một hệ thống cây xanh như vậy không hề dễ nếu như không biết quý trọng không gian xanh. Chuyện cây xà cừ số 13 bị cơn bão số 13 quật ngã hồi năm ngoái và những nỗ lực ứng cứu đã làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông; và nó cũng cho thấy một thái độ ứng xử với cây xanh của Huế. Giờ cây xà cừ số 13 đã được đưa vào công viên và đã ra lộc.

Và nếu Huế không đẹp thì đã không là một địa chỉ đáng lưu tâm trên bản đồ du lịch thế giới; du khách đã không đến Huế ngày càng nhiều hơn. Ở thời điểm năm 2019 là vào khoảng 4,8 triệu lượt khách.

Người dân Huế có thể thu nhập chưa cao bằng một số nơi khác nhưng cũng đứng vào hàng cao của tốp giữa (so với cả nước). Thu nhập không cao nhưng mặt bằng giá tương ứng cũng không cao (theo số liệu của Tổng cục Thống kê về giá sinh hoạt, xét theo vùng kinh tế vừa công bố, thì vùng Duyên hải miền Trung ở vào tốp giữa). Điều này cho thấy, người dân Huế chưa sung túc nhưng ngày càng đủ đầy hơn…

Thế còn tính chất của chính quyền phục vụ và thân thiện thì sao?

Đã được cải thiện rất nhiều và tiếp tục được cải thiện hướng đến mức tốt nhất. Có thể đánh giá về điều này qua nhiều chỉ số nhưng ở đây thử nhìn nhận qua 2 chỉ số sau: mức độ cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Về cải cách hành chính, năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của Thừa Thiên Huế (PAR INDEX) đứng thứ 13/63 tỉnh thành của cả nước, tăng 3 bậc so với năm trước. Và tỉnh đã xây dựng cả một kế hoạch để phấn đấu lọt vào tốp 10. Rồi Thừa Thiên Huế ngày càng được nhà đầu tư chú ý. Rất nhiều dự án lớn ở nhiều lĩnh vực đã có mặt ở đây, mà đáng chú ý là các tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh. Không tạo ra một môi trường đầu tư tốt thì khó mà thu hút được nhà đầu tư. Môi trường đầu tư tốt được hình thành một phần quan trọng là từ việc cải cách những thủ tục hành chính. Giải quyết thủ tục hành chính thì có hai việc - ứng dụng công nghệ để làm nhanh hơn, chính xác hơn, minh bạch hơn, tốt hơn… và con người vận hành hệ thống thủ tục ấy.

Thêm nữa, một xã hội bình yên, trước tiên phải là an ninh tốt, môi trường và con người thân thiện… Chẳng mấy khi nghe những lời phàn nàn về điều này đối với Huế. Thế cũng là vui, là mừng cho Huế.

Trong cuộc gặp gỡ với 500 đại biểu là những người con của Huế tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 4 này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã kêu gọi cùng chung tay để xây dựng “Giấc mơ Huế”. Mà “Giấc mơ Huế” thì không phải cái gì cao xa như đã nói: “Đó là hướng đến một xã hội người dân sung túc, một xã hội bình yên và một chính quyền thân thiện”. Biết đâu từ cuộc gặp này, Huế sẽ có thêm một nguồn lực mới nữa!

Nguyễn Thanh Lê