Nhận diện khó khăn
Doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của tỉnh
Hội thảo giúp doanh nghiệp và các sở ngành hiểu được những thách thức mang tính hệ thống ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bao gồm khả năng phục hồi và đổi mới sáng tạo ở Thừa Thiên Huế; các giải pháp hiện có của DNNVV và chính quyền địa phương trước những thách thức nội tại .
Theo kết quả khảo sát thực tế của các doanh nghiệp trên địa bàn của bà Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia tư vấn của UNDP, doanh nghiệp Huế có rất nhiều đặc điểm chung. Ngoài đa phần đều là DNNVV thì các sản phẩm của các doanh nghiệp Huế đều mang những nét đặc trưng rất riêng có của địa phương.
Hầu hết các doanh nghiệp đã khởi nghiệp khi được phỏng vấn trực tiếp đều khẳng định ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ tình yêu đối với các sản phẩm/đặc sản/nghề truyền thống của Huế và rất tự tin về sản phẩm của mình, không có nhu cầu về hỗ trợ R&D (research & development: hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm). Doanh nghiệp Huế vẫn khá bị động trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, thị trường…
Theo khảo sát trên và các ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp tại hội thảo, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đều xuất phát từ thực tiễn nội tại bởi phần lớn doanh nghiệp trên địa tỉnh có qui mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho công nghệ, xây dựng hình ảnh… Doanh nghiệp phát triển còn manh mún, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; ít doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng đánh giá cao các giải pháp quyết liệt, kịp thời của tỉnh để khôi phục kinh tế; đồng thời, ghi nhận sự vào cuộc của tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách kích cầu du lịch đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, giúp ngành du lịch, dịch vụ phục hồi trong thời gian qua.
Thay đổi tư duy
Cùng với đó, 6 nhóm giải pháp thuộc các lĩnh vực như: chính sách, vùng nguyên liệu, kinh tế, khoa học công nghệ, nhân sự, văn hóa cũng được các doanh nghiệp đề xuất với mong muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lành mạnh và có sức lan tỏa.
Ông Nguyễn Văn Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB khởi nghiệp Huế chia sẻ, trong khởi nghiệp các doanh nghiệp mới muốn thành công, bản thân doanh nghiệp phải đổi thay đổi tư duy trong tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ và có những đầu tư nhất định trong việc trang bị các kiến thức kỹ năng trong quản lý, điều hành, xúc tiến thị trường, nắm bắt các xu hướng phát triển, mở rộng kênh bán hàng qua thương mại điện tử…
Đổi mới tư duy trong tiếp cận thị trường sẽ là giải pháp sống còn của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Chủ doanh nghiệp tư nhân thêu may Đoan Trang cho rằng, các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Hạn chế này chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp Huế nói riêng yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà chứ chưa nói đến thị trường thế giới. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, thị trường, thương hiệu chung vì chỉ có đoàn kết mới có thể xây dựng được thương hiệu lớn mạnh.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, thị trường, chuyển giao công nghệ, đào tạo... Các chính sách hỗ trợ nên tập trung vào từng nhóm ngành hàng cụ thể và một số doanh nghiệp trọng tâm nhằm tạo lực đẩy cho doanh nghiệp, từ đó tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển khẳng định, những ý kiến trao đổi trên là cơ sở nền tảng để Viện và các đơn vị liên quan đề xuất tỉnh rà soát lại các cơ chế, chính sách có liên quan thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, đồng hành hiệu quả với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở thực hiện các mô hình thí điểm, cải thiện khả năng phục hồi, đổi mới doanh nghiệp địa phương cũng như thu hút các sở ngành, địa phương tham gia hỗ trợ DNNVV, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thời gian tới.
Bài, ảnh: Hoàng Loan