Hội trường đấu giá lúc nào cũng đông người

“Thiên thời, địa lợi nhưng nhân… chưa hòa”

Đến sớm hơn giờ thông báo 30 phút, sau khi xuất trình chứng minh nhân dân, giấy nộp tiền, đảm bảo đeo khẩu trang, sát khuẩn, tôi bước vào hội trường đấu giá đất và không khỏi choáng ngợp trước lượng người bên trong. Điều đó cũng giải thích cho thắc mắc của tôi về lượng ô tô, xe máy đậu chật kín hai bên đường và sân trụ sở UBND xã P.-nơi tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư trên địa bàn.

24 lô đất được thông báo bán đấu giá nhưng nhìn hội trường chật cứng như nêm, tôi nhẩm tính con số đến người đến đấu phải gấp 10 lần. Cứ 1 người đi đấu kèm 1-2 người nhà. Giai đoạn dịch bệnh thì có hạn chế, ban đầu chỉ cho một người vào. Đến chừng nửa buổi thì ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra. Có người đấu trúng 1 lô rồi về, người không trúng cũng về (số này thường rất ít vì họ có nhu cầu thực sự). Nhưng người ở lại đến cùng không phải để đấu mà để “hóng hớt” xem ai thắng còn có chuyện mà buôn, mà đăng facebook, rồi mua bán… luôn rất đông. Có hôm đã hơn 12 giờ trưa, trời thì nóng nực, mấy cái quạt chạy hết công suất vẫn không làm dịu được độ “hăng” của người đấu và độ hiếu kỳ của người xem.

Giá đấu được công khai trên màn hình

Ấy cũng là hôm đầu tiên tôi đi đấu đất. Sau khi các lô khác dần có chủ, còn lại 1-2 lô phía cuối dãy quy hoạch. Có vẻ như những người còn lại, khoảng 1/2 số người đến lúc đầu bắt đầu “nóng trong người” nên khi đấu giá viên đọc xong giá sàn, nêu rõ các quy định rồi hỏi: “Ai tham gia đấu giá?” -Hàng chục cánh tay giơ lên. Qua vòng một, con số cánh tay có vơi bớt một chút nhưng đến bước hai, số người tiếp tục đấu không giảm. Cứ thế, đến vòng thứ 9, chỉ còn lại hai người. Cũng cần nói thêm là cứ mỗi bước đấu, giá sẽ tăng theo quy định. Có nơi tầm vài chục triệu đồng nhưng có nơi hàng trăm triệu. Nó phụ thuộc vào vị trí và giá trị lô đất. Thế nên cứ càng đấu là giá càng cao. Tất nhiên, hai người nêu trên họ đã rất hiểu quy định này, nhưng vẫn quyết đấu. Khi đấu giá viên đã khá mệt mỏi vì qua giờ chiều, cố gắng nhắc lại số tiền vòng đấu tiếp theo (đã cao hơn lô kế cạnh vừa đấu 2 triệu đồng, nhân lên với m2 là vài trăm triệu đồng) nhưng vẫn còn cánh tay giơ lên. Kết cục người trúng dù có phần hả dạ nhưng “tôi đồ rằng, khi đi nộp tiền sẽ không khỏi tiếc nuối”-một người hiếu kỳ xem phiên đấu giá nói. Còn tôi thì tin rằng, có lẽ họ có lý do riêng. Cũng có thể vì quá thích lô đất nên mới chấp nhận đấu giá cao hoặc cũng có thể vì sĩ diện… Sao cũng được nhưng rõ ràng, Nhà nước có thêm một khoản thu.

Một chút cơ may + nhanh trí = trúng

Cũng tại phiên đấu giá hôm đó, khi đấu giá viên đọc số lô đất tôi đã “nhắm” từ trước, hàng chục cánh tay giơ lên. Sau khi các nhân viên hỗ trợ phiên đấu phát phiếu cho những người có nhu cầu, giá mỗi phiếu tùy theo giá trị lô đất. Nếu lô đất có giá sàn dưới 500 triệu đồng thì giá phiếu đấu là 200 ngàn đồng, trên 500 triệu đồng là 500 ngàn đồng. Đấu giá viên bắt đầu đọc thứ tự từ lần thứ nhất đến lần thứ 3, nếu không có ai đấu nữa sẽ chốt số lượng người đấu. Lô tôi đấu, có 21 người tham gia. Qua bước thứ 2 còn lại 19 người, nhìn quanh một lượt, tất cả cánh tay giơ lên đều là đàn ông, chỉ có mình là phụ nữ nhưng đã thích là “nhích”, tôi giơ cánh tay đầu tiên khi đấu giá viên hỏi còn ai tiếp tục đấu qua bước thứ 3. Ở bước này, còn tôi với 12 người khác.

Khi thời gian cho mỗi bước đấu giá chừng 5 phút kết thúc, chúng tôi nộp lại phiếu và hồi hộp chờ đợi. Đấu giá viên đọc giá đấu cao nhất bước này là “6 triệu 9 trăm năm mươi ngàn lần thứ nhất đến lần thứ ba. Có ai đấu nữa không”? Hội trường im lặng vài giây. Đấu giá viên tiếp tục hỏi thêm hai lần như vậy không ai trả lời, không cánh tay nào đưa lên. Tôi biết chắc mình đã trúng. Đấu giá viên sau đó đã chúc mừng người đấu trúng và đọc tên tôi. Cả hội trường quay lại cố xem “dung nhan” người thắng. Tôi cố ý không đứng dậy vì vẫn chưa hết cảm giác run. Nhưng khi được chủ tọa mời lần hai, tôi cũng cố gắng đứng lên chào mọi người. Những tiếng vỗ tay bắt đầu vang lên. Họ ồ à… là phụ nữ.

Sau một năm cật lực “cày cuốc” trả nợ, lần đầu tiên, vợ chồng tôi cầm được sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có tên mình. Cảm giác sung sướng lắm. Thế rồi lại bàn nhau, mang sổ đỏ này đi “cắm” ngân hàng để đấu thêm lô nữa. Vậy là đi.

Lần này, ông xã cùng đi với tôi, nhưng công việc bận rộn, nửa chừng phải đi nên chỉ còn mình tôi. Đến gần trưa, cũng đến lượt lô đất chúng tôi đã “nhắm”. Hội trường lúc này cũng nóng không thua gì đợt trước, dù là cao điểm dịch nhưng lượng người đấu cũng gấp 10 lần lượng lô đất bán đấu giá. Đó cũng là lý do vì sao đơn vị tổ chức đấu giá phải chuyển địa điểm, đến hội trường rộng hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Lần này, lô đất tôi đấu có thêm 16 người khác tham gia. Qua lượt 1, còn lại 12 người, qua lượt 2 còn lại 6 người. Khác đợt trước, lần này có thêm 1 nữ, với tôi nữa là hai người. Khi bắt đầu vòng đấu thứ 3, chồng tôi quay lại. Tôi đang tính toán ghi giá đấu, vì lần này không đấu theo m2 mà đấu theo lô. Kinh nghiệm từ những lô đấu trúng trước cho thấy, đa số những lô trúng đều có số lẻ đằng sau; có lô lẻ tới 9.999 ở hàng sau cùng, tức là ngoài số tiền tỷ hàng đầu tiên, tiền trăm triệu hàng thứ nhì thì các số còn lại chủ yếu là số 9.

Tôi cứ theo kinh nghiệm đó, nhưng không phải là số chín mà là số 5, chỉ khác là tròn số hơn. Và tôi thắng cuộc chỉ hơn người kế cận 50.000 đồng. Tôi biết điều này vì người ngồi cạnh mình cũng đấu, khi đấu giá viên đọc tên người trúng đấu giá, họ quay sang tôi bắt tay chúc mừng và không giấu được tiếc nuối.

Thế nhưng, không phải ai có chút cơ may, cộng thông minh cũng có thể đấu trúng. Như đã nêu ở trên, có rất nhiều người đấu trúng đất không cần những yếu tố này. Bởi họ có đủ tiền, đam mê và sẵn sàng đấu với giá cao nhất. Tất nhiên, đấu trúng hay không là một chuyện còn lấy hay không (tức là nộp tiền sử dụng đất - hay nói nôm na là đấu trúng cộng thuế, phí…) lại là chuyện khác. Theo tìm hiểu, cũng có vài trường hợp bỏ cuộc, tức bỏ tiền cọc (theo quy định nếu đấu trúng mà đến hạn nộp tiền sử dụng đất người đấu trúng không nộp sẽ mất tiền cọc) nhưng gần như những khu tôi tham gia đấu, họ đều nộp tiền để lấy sổ đỏ.

Muôn kiểu “cò mồi”

Lại nói về những người “bỏ cọc”, theo tìm hiểu, một số là vì “hăng máu” đấu giá quá cao so với khả năng tài chính. Số khác là “cò mồi” cố tình đấu cao để làm giá, chịu mất cọc để thổi giá đất lên để bán các lô đất lân cận. Dạng thứ hai này có vẻ ngày càng ít hơn bởi hiện nay, giá trị đặt cọc khá lớn. Thường thì mỗi lô đất có giá sàn từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trở lên phải đặt cọc ít nhất từ 70-150 triệu đồng. Ví dụ như tại Khu quy hoạch thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ (Phú Vang) vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cuối tháng 3 này, người đấu phải đặt cọc từ 78 triệu đồng đến 158 triệu đồng/lô. Nếu đấu trúng bỏ cọc, họ sẽ mất số tiền này. Nếu tính toán thiệt hơn, chắc chắn “cò” sẽ không liều mất nhiều cọc như thế-một người đi đấu giá hôm đó nói.

Nếu ai từng đi đấu đất, sẽ không khó nhận ra “cò”. Nếu càng đi nhiều phiên đấu lại càng chắc chắn vì những gương mặt rất quen, phiên nào cũng có. Có người cũng nộp hồ sơ, vài chục triệu đồng đến trăm triệu đồng để đấu. Rớt thì lấy cọc lại nhưng cũng có người chỉ đến để nghe ngóng, rồi tiếp cận người đấu trúng-số này thì nhiều. Nếu để ý sẽ thấy, họ hay ngồi phía cuối hội trường, nam nữ có đủ và đa số đều rất trẻ.

Khi đấu trúng lô đất nêu trên, vợ chồng tôi ra thang máy để về. Thang máy chưa kịp mở cửa đã có hai em “xinh đẹp” tiếp cận xin số điện thoại và đặt vấn đề bán lại lô đất vừa đấu trúng, không cần đợi sổ đỏ, chỉ cần có biên bản đấu trúng. Tất nhiên, chúng tôi từ chối theo cách lịch sự nhất là cho số điện thoại. Những ngày sau đó, rồi đến lúc lấy được sổ đỏ, tôi liên tục nhận được lời mời nếu có ý định bán liên hệ với họ. Họ sẽ giới thiệu khách hàng cho tôi, với điều kiện tôi trích 1% hoa hồng. Nhiều lần mời không được, lâu dần người này cũng ít gọi hơn nhưng không có nghĩa là bỏ cuộc.

Lần khác, tôi không đấu trúng. Thấy vậy, người bên cạnh, sau khi lân la bắt chuyện với tôi giới thiệu mình có lô đất cũng tại khu quy hoạch đó cần bán, đúng với giá đấu trúng trung bình các lô đất hôm đó. Vậy mà mới chỉ ít phút trước đó thôi, chị này còn giả vờ ngây ngô hỏi: “Em đã đến xem đất chưa, khu quy hoạch đó thế nào? Chị chưa đến nên chưa biết”. Mất công người nhiệt tình là tôi mô tả chi tiết đường đi như thế nào, đất ra sao, đã có người ở chưa…

Lần khác, “cò” không tiếp cận tôi bằng cách đó, mà giả vờ là người dân ở quê-nơi đấu đất sau khi thấy tôi không đấu được, thì dẫn tới lô đất sát bên khu quy hoạch. Chỉ khác là, đất ở khu quy hoạch đường sá rộng rãi, hạ tầng đồng bộ. Còn đất mà “người làng nọ” muốn bán là một ô ruộng trũng nước, cây cỏ um tùm…

Theo kinh nghiệm cá nhân, để đừng bị mắc bẫy của “cò đất”, cần tìm hiểu kỹ thông tin lô đất cần mua, bán. Khi chắc chắn thì hãy đặt vấn đề. Tất nhiên, “cò” không hẳn đã xấu. Ở khía cạnh nào đó, họ cũng có lợi trong việc giúp ta định giá được giá trị của lô trong thời điểm cần mua/bán hoặc giúp tìm “mối” bán mua thuận tiện hơn. Mà thời nào cũng vậy, có cung ắt có cầu và ngược lại. Người mua bán cần họ nên họ tồn tại thôi. Quy luật mà!

Bài, ảnh: TÂM HUỆ