Tôi viết bài này cũng là lúc các hạng mục của Nhà máy xi măng Long Thọ được xây dựng cách nay đúng 125 năm, đặt ở chân đồi Long Thọ, trên bờ phải sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 7 cây số về phía tây, giữa làng Nguyệt Biều và Dương Xuân (nay là Thủy Biều và Phường Đúc) đang được tháo dỡ. Khoảng 15 năm trước, Nhà máy xi măng Long Thọ đã bị Chính phủ liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, yêu cầu phải nhanh chóng di dời để đảm bảo quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Sau nhiều năm “án binh bất động” đến đầu năm 2021 này, công tác tháo dỡ nhà máy này bắt đầu triển khai để di dời về cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.
Năm 1885, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất cho chính quyền cai trị tại miền Trung, lấy Huế làm thủ phủ. Nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn nên 1896, hãng tư nhân có tên Bogaert đã xây dựng một xí nghiệp vôi thủy nhằm giải quyết nhu cầu nói trên.
Bogaert chọn Long Thọ để xây dựng vì nơi đây có những điều kiện thuận lợi mà nhiều nơi khác không có. Bàn về sử dụng không gian Huế của người Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng không phải thời nào và chỗ nào cũng tốt. Không gian Huế thời Pháp thuộc ở bờ nam sông Hương mắc phải 2 “ung bướu”, đó là Nhà máy vôi thủy Long Thọ với cột khói đen thổi lên không trung và tháp nước Dã Viên kệch cỡm bên chiếc cầu sắt Dã Viên.
Tôi được biết, những năm gần đây, chủ nhân của nhiều công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đã có những hoạt động tìm hiểu, biên soạn truyền thống và lịch sử của đơn vị mình. Kỷ niệm 100 năm thành lập, Ban Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế cử người sang tận Pháp quốc và đã quyết định bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để sao chụp bản thiết kế về công trình cùng nhiều tài liệu có liên quan nhằm phục vụ cho việc trưng bày và hơn thế, vào mục đích phát triển và mở rộng dự án cấp nước sau này. Trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh chi tiết xây dựng Nhà máy nước Vạn Niên do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký năm 2017, người ta thấy xuất hiện ở đó khu bảo tồn, bảo tàng nước.
Là “ung bướu” phải cắt bỏ nhưng Nhà máy vôi thủy Long Thọ, công trình kinh tế đầu tiên mang dấu ấn “thuộc địa” trên đất Cố đô, ra đời cùng thời với Trường Quốc Học và trước Nhà máy nước Huế nhưng cách nhau 13 năm, được xem là một “nhân chứng” lịch sử của quá trình xây dựng và phát triển thành phố Huế, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và du lịch của cả nước. Vậy nên, nó cần thiết được lưu giữ lại hình ảnh và dấu tích của một thời tồn tại. Thiết nghĩ, cũng là vấn đề đặt ra với Huế khi mà cùng thời điểm Nhà máy vôi thủy Long Thọ được tháo dỡ cũng là lúc nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc nơi đây đang được cải tạo, nâng cấp và cả đập bỏ nữa để xây mới vì sự phát triển của vùng đất.
ĐAN DUY