Một số ngành chủ lực đang là thế mạnh của Trường CĐ Nghề và đáp ứng nhu cầu DN

Đầu tư nghề trọng điểm, chủ lực

Trường CĐ Nghề hiện có 9 nghề đào tạo chính: điện công nghiệp, lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ thông tin, hàn, lắp đặt thiết bị cơ khí, may thời trang, chế biến món ăn và nghề công tác xã hội. Ngoài ra, có một số nghề hệ sơ cấp và hệ thường xuyên đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trong đó, trường có 2 nghề trọng điểm quốc tế, 2 nghề trọng điểm cấp khu vực và 1 nghề trọng điểm cấp quốc gia.

Ngoài được Trung ương đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề cho nghề trọng điểm cấp khu vực Asean với nghề kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp thuộc dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, trường đã tranh thủ và tăng cường hợp tác quốc tế để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhà xưởng thực hành phục vụ hoạt động dạy và học. Trong đó, trường thụ hưởng dự án Hỗ trợ việc làm và hòa nhập xã hội tại các trường dạy nghề Việt Nam do Chính phủ Italia tài trợ, gồm: xây dựng nhà xưởng để tiếp nhận thiết bị; mua sắm trang thiết bị và chuyển giao công nghệ đào tạo nghề kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp dựa trên mô hình của Italia; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo...

Thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh hoạt động đào tạo gắn kết với doanh nghiệp (DN) và thị trường lao động, chú trọng tạo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp. Nhiều hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và DN được ký kết. Không chỉ hợp tác và nhận “đơn đặt hàng” đào tạo lao động cho các DN ở Khu công nghiệp Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, trường còn liên kết với DN ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Qua bắt tay liên kết, mức độ tham gia của DN vào quá trình đào tạo ngày càng sâu hơn. Từ việc chỉ tiếp nhận học sinh, sinh viên tới thực tập một cách hình thức thì nay đã bố trí cho người thực tập được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và được hưởng thù lao theo kết quả lao động đã đóng góp. Bình quân mỗi ngày công thực tập, học viên được trả lương từ 130 - 150 nghìn đồng. Một số DN còn tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, hỗ trợ vật tư thực hành, cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn thực hành, phối hợp với nhà trường đánh giá tốt nghiệp và tuyển dụng học sinh ngay sau quá trình thực tập tại doanh nghiệp.

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế cho biết, thực tế các DN hầu như rất “khát” lao động của trường. Qua áp dụng liên kết đào tạo kép, không chỉ thu hút sự tín nhiệm của học viên, DN, mà quan trọng, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay đạt ở mức tương đối cao, khoảng 80% đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; khoảng 85% - 90% đối với trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo dưới 3 tháng.

Đẩy mạnh hướng nghiệp và hiệu quả đầu ra

Không riêng Trường CĐ Nghề mà khó khăn chung của các trường nghề trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp phải là công tác tuyển sinh còn yếu. Quy mô tuyển sinh và đào tạo giảm theo từng năm. Cơ cấu đào tạo chủ yếu là đào tạo sơ cấp nghề, đào tạo trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề còn ít, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động của tỉnh.

Ông Trần Nam Lực phân tích, muốn trở thành trường chất lượng cao theo như đề án Phát triển Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế thành trường chất lượng cao đến năm 2025 đang trình UBND tỉnh phê duyệt, một trong những tiêu chí cần là quy mô đào tạo tối thiểu trường phải tuyển sinh đạt 2.000 học sinh, sinh viên/năm, trong đó khoảng 30% học viên học nghề trọng điểm. Hiện nay, bình quân mỗi năm trường tuyển sinh chưa tới 1.000 học sinh, sinh viên.

Nguyên nhân là do công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều trường cao đẳng, đại học trong khu vực miền Trung tuyển sinh theo tiêu chí xét tuyển, điểm trúng tuyển thấp nên các trường trung cấp, cao đẳng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến khó đạt được chỉ tiêu tuyển sinh. Người học chỉ chú trọng đến việc học đại học bằng mọi cách, điều này dẫn đến số lượng học sinh đăng ký học trung cấp, cao đẳng đạt thấp.     

Theo ông Trần Nam Lực, chính sách đối với người học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được Nhà nước ưu đãi. Đối với học sinh tốt nghiệp THCS khi vào học trường trung cấp nghề được miễn 2 năm học phí và được học chương trình văn hoá. Sau đó, còn được hưởng chính sách liên thông lên học cao đẳng nghề và đại học, cũng như được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngay cả bằng cao đẳng nghề tương đương công nhận là “kỹ sư thực hành” và rất được DN ưa chuộng, dễ xin việc, mức lương cao.

Hiện, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp để định hướng học nghề cho học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên, giúp các em nhận thức rõ vào đại học không phải là con đường duy nhất đảm bảo cuộc sống, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá-hiện đại hoá thì kỹ năng nghề nghiệp chiếm vị trí ưu thế. Trường cũng đổi mới công tác tuyển sinh, tăng quy mô tuyển sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đẩy mạnh liên kết đào tạo và đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của DN; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí đào tạo.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG