Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Huế - Hoàng Hải Minh cho rằng, việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) của Huế bắt đầu từ năm 2000 bằng việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai, hạ tầng đô thị... Hiện, TP. Huế đã và đang đẩy mạnh phát triển CQĐT, ĐTTM nhằm đưa thành phố phát triển toàn diện, thông minh, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Huế - Thành phố thông minh và đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”…

Tham quan Phòng giám sát điều hành đô thị thông minh

Về ĐTTM, TP. Huế đã và đang hoàn thiện, phát triển các hạ tầng, nội dung liên quan. Hiện, thành phố có 42 camera hiện đại lắp đặt ở những vị trí quan trọng trên địa bàn, (chưa kể camera của tỉnh, các cơ quan, đơn vị…). Hệ thống camera giám sát của thành phố với các tính năng hiện đại - thông minh như: nhận diện khuôn mặt, biển số xe… đã giúp sức đắc lực trong đảm bảo trật tự giao thông - đô thị - xây dựng trên địa bàn.

Thời gian qua, TP. Huế triển khai hệ thống thông tin Dịch vụ ĐTTM (Hue-S) cho các phòng ban chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các phường nhằm xử lý kịp thời các phản ánh của người dân về các lĩnh vực, như: môi trường, đô thị, hạ tầng viễn thông… Trong năm 2020, thành phố đã tiếp nhận và xử lý 3.550 ý kiến phản ánh của người dân qua Hue-S. Việc phản ánh hiện trường và xử lý sai phạm bằng các quy trình, quy chế cụ thể, chặt chẽ. 

Lãnh đạo TP. Huế đã chia sẻ với đoàn công tác của TP. Đồng Hới về các kinh nghiệm, thực tiễn, khó khăn trong xây dựng, cách tổ chức thực hiện, vận hành, quản lý CQĐT, ĐTTM... 

Kết thúc buổi làm việc, đại diện đoàn công tác của TP. Đồng Hới bày tỏ sự cám ơn đến lãnh đạo TP. Huế, đây là những kinh nghiệm quan trọng để thành phố Đồng Hới xây dựng ĐTTM trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan, học tập thực tế Phòng Giám sát điều hành thành phố Huế, thăm Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM Thừa Thiên Huế...

Tin, ảnh: Thanh Hương