Nhiều năm qua, một số tổ chức thiếu thiện cảm nước ngoài và tổ chức chống đối trong nước thường hay lấy tự do, dân chủ, nhân quyền để lôi kéo hoặc chi phối chính trị ở Việt Nam. Chuyện không có gì mới và nằm trong âm mưu lợi dụng vấn đề nhạy cảm này để chống phá Việt Nam. Đề cập nhiều nhất là đòi tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, trong đó nhân quyền được lặp đi lặp lại hàng năm, có thời điểm nâng lên tầm quốc tế.

Có một số tổ chức đưa vấn đề nhân quyền làm con bài chính trị, kinh tế để phản đối, gây khó dễ hoặc làm điều kiện ép buộc về đối ngoại.

Mới đây, ngày 5/3/2021, Freedom House- một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ đăng tải nội dung về nhân quyền Việt Nam 2020, chỉ trích Nhà nước lợi dụng chống dịch COVID- 19 để hạn chế đi lại, hội họp bất bạo động, xử phạt người dùng internet...Đáng nói là tổ chức này hàng năm đều có những đánh giá nhân quyền trên thế giới và cố tình xếp mức độ “nguy hiểm” với các nước không thân Mỹ hoặc muốn lôi kéo theo quỹ đạo phương Tây.

Trong các năm gần đây, họ đưa ra những vấn đề riêng mang tính “nghiêm trọng”, “cấp bách”, kêu gọi quốc tế áp đặt trừng phạt, tẩy chay với một số nước, trong đó có Việt Nam. Ví dụ năm 2019, họ đã đưa ra báo cáo về “hạn chế quyền của người dân sử dụng internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”, xếp Việt Nam vào nhóm nước “không có tự do internet” khi Luật An ninh mạng của nước ta có hiệu lực. Một số tổ chức thiếu thiện chí khác cũng đưa ra những nhận định và con số liên quan đến các quyền tự do, nhấn mạnh về hạn chế nhân quyền. Cần phải thấy rằng, những sự kiện có liên quan họ đều khai thác từ website cá nhân, các nhóm chống phá ở nước ngoài, phần tử phản động trong nước. Nhiều báo cáo dựa vào phản ánh một chiều, số liệu sai lệch, không đúng sự thật, bịa đặt,vu cáo tình hình không có trên thực tế.

Quan điểm rõ ràng của Đảng, Nhà nước Việt Nam là kiên trì, đẩy mạnh chủ trương “tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người”. Trong đó, quyền được sống ấm no, hạnh phúc và được bảo vệ tính mạng, sức khỏe là quyền cao nhất. Dù cho thiên tai, dịch bệnh hay mất mùa nghiêm trọng, không người dân nào phải chịu thiếu ăn, đói rét hoặc bị bỏ rơi.

Trong báo cáo “Giải pháp phát triển bền vững” của Liên Hợp quốc công bố ngày 19/3/2021, nhân ngày “Quốc tế hạnh phúc”,  đã xếp Việt Nam vị trí 79. 

Theo  báo cáo trong 3 năm liên tiếp (2018- 2020), Việt Nam đều thăng hạng, vượt lên 16 bậc trong 156 nước được khảo sát, đứng thứ 3 các nước ASEAN. Đánh giá này tương đối khách quan dựa trên 6 tiêu chí chính: GDP đầu người, tuổi thọ người dân, quyền tự do, sự hào phóng chính phủ, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Từng vấn đề, trong đó Việt Nam đều tăng trưởng ấn tượng, nhất là GDP đầu người, phúc lợi xã hội và kiểm soát tham nhũng.

Những nỗ lực của Việt Nam mang lại nhiều tiến bộ về chính sách và thực tiễn. Bà Wiesen- Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam khẳng định: “Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển con người gần đây là rất đáng tự hào. Điều ấn tượng là Việt Nam, một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng lại đạt kết quả cao trong chỉ số phát triển con người trên thế giới”.

Với  sự đảm bảo về nhân quyền,Việt Nam đã từng lần đầu được bầu làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu cao nhất và ngày 23/2/2021 chúng ta tiếp tục ứng cử thành viên  tổ chức này giai đoạn 2023-2025.

“Khảo sát toàn cầu về mức độ hài lòng của người dân với chính phủ, Việt Nam trong nhóm đầu bảng vì người dân cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo và đưa ra các giải pháp rất hiệu quả. Chính phủ Việt Nam có được sự đồng thuận và niềm tin của người dân”.

(Ông kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam)  

NGUYỄN AN HÒA