Chờ cò như chờ bạn
Ngôi nhà giản dị của ông bà Lê Văn Dũng – Trần Thị Bạch Tuyết nằm giữa khu vườn xanh mướt vài ngàn mét vuông gần cuối cồn Dã Viên (TP. Huế). Hai ông bà còn sở hữu một vườn rau củ quả tự cung tự cấp quanh năm nơi bãi bồi một nhánh nhỏ sông Hương chảy qua trước mặt.
Ít ai biết, băng qua đường sắt cầu Bạch Hổ, phía sau lưng nhà máy nước Dã Viên lại có một xóm nhỏ bình yên. Nhà của ông Dũng nhìn bên ngoài không có gì khác lạ, có chăng nó chỉ đặc biệt đối với những người thích chụp ảnh, mê ngắm chim cò; họ gọi đó là “Nhà ngắm cò”!
Cuối buổi chiều, căn nhà nhỏ bên sông thi thoảng đón những vị khách là các bạn sinh viên, nhà nhiếp ảnh, hay những người yêu thích sinh vật ghé đến xin ngắm cò. Họ được mời lên sân thượng chờ đón những khoảnh khắc đẹp của tự nhiên hiếm thấy. Ấy là cảnh hoàng hôn yên bình khoáng đạt và hàng trăm con cò theo đàn sải cánh tung trời tựa như trong tranh thủy mặc. Dạ Hương, SV Trường ĐH Y Dược Huế tròn xoe mắt xuýt xoa: “Ôi đẹp quá! Không ngờ ở giữa lòng thành phố vẫn thấy cảnh này, quả là may mắn”! Phan Ngọc Thắng, thành viên trẻ nhóm nhiếp ảnh hôm ấy cùng các bạn bấm máy liên tục suốt hai tiếng đồng hồ mong bắt được những khoảnh khắc đàn cò về trong bóng hoàng hôn đỏ rực. Tay máy trẻ cho hay, anh đã đến đây vài lần nhưng chưa có tấm hình nào ưng ý nên anh sẽ trở lại cùng nhóm bạn.
Ngắm cò và chụp ảnh cò từ nhà ông Lê Văn Dũng. Ảnh: Phan Thắng
Thấy các bạn trẻ chăm chú săn ảnh cò, ông Dũng động viên: “Có mấy cô mấy chú trung niên tới đây nguyên tuần đem theo cả mớ máy móc. Họ kiên nhẫn lắm, họ nói sẽ chụp tới khi mô hài lòng mới thôi”!
Vùng đất cuối cồn Dã Viên là nơi nhà cửa thưa thớt, yên tĩnh, những rặng cây cao, nằm sát bờ sông là nơi lý tưởng cho chim cò về trú ngụ. Theo ông Dũng, chục năm trở lại đây, cò về nhiều đến độ ông có thói quen trông chúng như chờ…“bạn”. “Con cháu lớn, ra riêng hết rồi nên chừ có cò về bầu bạn cũng vui. Hai ôn mụ cứ ngước mặt lên trời nghe chúng ríu rít lúc như trò chuyện, lúc như cãi vã. Chờ chúng đậu đỗ yên ổn, mình mới vô ăn cơm tối”, ông Dũng tỉ tê với khách.
Giữ “đất lành”
Mảnh đất ông Dũng đang ở là từ thế hệ trước khai hoang được giữ gìn và phát triển đến nay. Bao quanh nhà là vườn cây trái lâu năm, trong đó có cây mít hơn một trăm năm tuổi, đường kính hai, ba người ôm không xuể. Đứng dưới những tán cây cổ thụ, dễ choáng ngợp bởi dấu vết thời gian lưu lại trong khu vườn. Nơi đây có cả tổ ong to bằng thân người lớn.
Người ta bảo “đất lành chim đậu”, thế nên những vạt cây rìa vườn sát sông ông giữ nguyên, cả đám cỏ dại bên dưới cũng vậy. Những bụi cây ráy, đám cỏ gà, lá tre rải trắng phân chim. Các công việc gây tiếng động, tiếng ồn được hạn chế tối đa. “Tụi nó (cò) nhạy lắm! Có khi mệ lui sau vườn thắp cây hương, đi nhè nhẹ rồi mà cả bầy chim xáo xác rần rần tựa như gió lốc rứa”, mệ Tuyết kể.
Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm với ông Dũng - bà Tuyết. Ảnh: Phan Thắng
Thời gian trước, biết vườn nhà ông Dũng là bãi đáp chim cò, một số đối tượng rình rập săn bắt chim. Vài chú chim bị thương rơi xuống được vợ chồng ông Dũng thuốc thang sơ cứu nhưng không qua khỏi. Nhiều khi bắt gặp những “thợ săn” lởn vởn rình rập, chủ nhà ra giải thích, năn nỉ, thậm chí là ghi giấy cấm săn bắt chim cò dán quanh hàng rào và cửa ngõ. Cũng may thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh đã ra văn bản yêu cầu các địa phương ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời, động vật rừng nên tình hình tốt hơn nhiều. “Tui chỉ có việc giữ gìn nơi trú ngụ an toàn cho bầy cò thôi, còn lại vi phạm có pháp luật đó rồi nên họ - (những sẻ săn bắt) liệu chừng hồn”, ông Dũng nói.
Những ai từng đặt chân đến “Nhà ngắm cò” còn mê mẩn mảnh vườn trồng rau, củ, quả tự cung tự cấp ven sông Hương của đôi vợ chồng già. Khách có thể cùng mệ Tuyết làm vườn, thu hái nông sản về chế biến bữa cơm gia đình. Ngôi nhà này còn được các bạn trẻ đặt thêm một cái tên khác là “Nhà ngò gai” bởi hương thơm của loài cây gia vị này cứ quấn quýt mãi trong không gian ngắm cò, trừ khi bạn rời đi. Cảnh sống mộc mạc, bình dị gắn bó với thiên nhiên của ông Dũng – bà Tuyết khiến nhiều người ao ước.
Không gian yên bình, tươi mươi ở đây mới là điều chủ nhân ngôi nhà bên sông trân quý nhất. Mệ Tuyết chia sẻ, thi thoảng mấy đứa cháu ngoại về cứ reo lên: “Ôi mệ ngoại ơi, cò về, cò về đẹp quá”! Còn mấy bác trong xóm ngang qua cứ dặn dò, nhà ai tụi cò không đậu, chỉ đậu nhà mệ là phước lộc lắm, gắng mà giữ gìn”, tui nghe vậy cũng vui. Còn với ông Dũng, tuy không biết tên tuổi, dòng giống nhưng trong lòng ông, “Chim cò cứ như người nhà, trước tết về thăm chơi, sau tết vài ba bữa lại đi. Đã là người thân thì năm nào cũng mong chúng ghé thăm, chúc thọ mình”, ông ví von hóm hỉnh.
“PGS.TS. Võ Văn Phú, nguyên Giảng viên Cao cấp Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế: Dựa trên những hình ảnh người viết cung cấp, các cá thể chim hội tụ về cồn Dã Viên chủ yếu thuộc loài Cò bợ (Ardeola bacchus), là loài phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Loài chim này thường di cư theo mùa, trú chân ở vùng có nguồn thức ăn thủy vực dồi dào (trong đó có vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các bàu nước, các vùng ruộng lúa nước,…). Tại Thừa Thiên Huế, môi trường sống cho các loài chim đang dần được cải thiện, đặc biệt là điều kiện sống an toàn cho chim được đảm bảo khi hiện tượng đánh bắt chim di cư có kiểm soát tốt, hạn chế được mối đe họa đối với chim. Hy vọng trong tương lai, các hệ sinh thái được phục hồi, mọi người có ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, sinh thái, môi trường, thì cảnh quan vùng Huế sẽ đẹp đẽ, nên thơ hơn”. Hữu Phúc |
Tuệ Ninh