Du khách tham quan Đại Nội
Cần trợ lực để phục hồi nhanh
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách, cơ chế được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt bão” COVID-19. Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp du lịch vẫn rất khó khăn để tiếp nhận được các gói hỗ trợ. Việc vay vốn để trả lương cho lao động nghỉ, chờ việc hầu như không thực hiện được; việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ trong thời gian 5 tháng của năm 2020, khi hết thời gian gia hạn, doanh nghiệp vẫn phải đóng đủ, đúng thời gian, trong khi đó, dịch bệnh lại kéo dài. Việc giảm giá điện đối với cơ sở kinh doanh lưu trú áp dụng hai đợt, mỗi đợt 3 tháng trong năm 2020, được cho là chưa đủ giúp doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, du lịch đang có những tín hiệu tích cực, song khó khăn đối với các doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu. So với những lĩnh vực, ngành nghề khác, du lịch chịu thiệt hại lớn hơn, đa diện hơn nên cần thời gian và trợ lực nhiều hơn, kịp thời hơn nữa.
Theo bà Vy, để phần nào tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, khôi phục lại hoạt động du lịch, mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất với lãnh đạo tỉnh, miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị kinh doanh du lịch trong năm 2021; giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2021 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Điều chỉnh đơn giá nước bán cho các doanh nghiệp du lịch bằng mức giá với cơ sở sản xuất. Giãn kỳ hạn nộp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp du lịch, không tính lãi chậm nộp trong vòng 3 tháng tính từ ngày đến hạn của kỳ nộp. Giảm lãi suất ngân hàng đối với khoản nợ của các doanh nghiệp du lịch. Khoanh nợ lãi phát sinh trong thời gian 24 tháng của năm 2020, 2021 và tái cơ cấu nợ theo đề xuất hợp lý của doanh nghiệp du lịch.
Doanh nghiệp du lịch đề xuất lao động trong ngành được tiêm phòng vaccine sớm để đón khách quốc tế trở lại
Để giúp các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh thêm giải pháp thu hút khách MICE, khách công ty tổ chức team building trong mùa du lịch hè 2021 sắp đến, các doanh nghiệp cũng đã đề nghị tỉnh miễn phí sử dụng các địa điểm tổ chức team building, như công viên, quảng trường, bãi biển, thắng cảnh du lịch tự nhiên, các khu vực di tích… Hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục và chi phí thuê mặt bằng tại các khu vực phố đi bộ, công viên để hình thành các vệ tinh du lịch, như quầy hàng lưu niệm, quầy hàng ẩm thực, quầy hàng cung cấp dịch vụ vận chuyển xe, thuyền, hướng dẫn viên… để tăng thêm dịch vụ, sinh động cho điểm đến.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin, tất cả các giải pháp thu hút khách nội địa hiện nay đang là giải pháp tình thế, quan trọng vẫn là thu hút và đón khách quốc tế trở lại. Chính phủ đang cho phép nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine”, không chỉ có du khách, để đón được khách đòi hỏi đội ngũ nhân viên cũng phải được tiêm phòng vaccine. Huế đã có nguồn khách truyền thống châu Âu, nên khả năng thu hút khách trở lại sẽ thuận lợi và nhanh hơn. Do đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có đề nghị đến Tổng cục Du lịch có những giải pháp để một số bộ phận, nhân viên trong ngành du lịch ở Huế tiếp cận sớm với vaccine.
Sẽ sớm giải quyết
Trước những khó khăn của doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh rất hiểu và chia sẻ những khó khăn đó của doanh nghiệp. Với những đề xuất của doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền sẽ tiếp tục tập hợp kiến nghị với Trung ương. Riêng những cơ chế, chính sách mà tỉnh có thể giải quyết được, như giảm giá nước dịch vụ sang sản xuất, giảm giá vé tham quan ở các điểm di sản sẽ được giải quyết ngay.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch thông tin, ngày 13/3 vừa qua, Tổng cục đã có văn bản kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ những hỗ trợ mới cho doanh nghiệp. Trong năm 2020, Tổng cục đã 3 có văn bản và đây là văn bản thứ 4 mang tính cấp thiết hơn, bởi thời gian qua, có một số kiến nghị được giải quyết, nhưng đa số kiến nghị chưa giải quyết. Nhất là những giải pháp để gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, trong những kiến nghị mới này, Tổng cục tập trung 3 đề nghị về gói hỗ trợ tài khóa, tài chính và an sinh xã hội. Cụ thể, đề xuất giảm 80% kinh phí ký quỹ cho đơn vị lữ hành; tạm dừng đóng những phí chưa cần thiết; giảm tiền thuế đất đến hết năm 2021, tạo điều kiện lao động nhận được hỗ trợ trong gói 62 ngàn tỷ đồng; giảm hoặc miễn các phí thẩm định hồ sơ doanh nghiệp, hướng dẫn viên. Nghiên cứu loại hình bảo hiểm mới trong tình hình mới để du khách tin tưởng khi đi du lịch. Trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế, giảm các loại phí, thuế cho doanh nghiệp tham gia phục vụ khách…
“Tổng cục Du lịch đang triển khai dự án trung tâm điều hành du lịch thông minh được Chính phủ phê duyệt. Khi triển khai sẽ hỗ trợ cho du lịch Thừa Thiên Huế đầu tiên để có giải pháp quảng bá, thu hút khách trong tình hình mới. Riêng tiêm phòng vaccine cho lao động trong ngành du lịch ở Huế, tùy vào tình hình thực tế và sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc phục vụ khách. Dĩ nhiên khi đã tham gia, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế sẽ sớm được tiêm phòng vaccine”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định.
Lộ trình phục hồi ngành du lịch phần nào đã được xác định cụ thể hơn so với trước. Trong mọi hoàn cảnh nào đi chăng nữa của quá trình phục hồi, doanh nghiệp luôn cần có sự giúp sức bằng những chính sách, cơ chế cụ thể từ Nhà nước.
Bài, ảnh: Quang Sang