Trồng rừng ngập mặn trên vùng đầm phá
Độ che phủ cao nhưng chưa bền vững
Theo ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, rừng trồng kinh tế mà chủ lực là keo tràm đang ngày càng mở rộng diện tích, nhưng chất lượng rừng trồng, kể cả rừng tự nhiên vẫn còn thấp.
Gần đây, một số diện tích rừng trồng chuyển sang rừng gỗ lớn, góp phần tăng chất lượng rừng nhưng diện tích chưa nhiều, cơ cấu cây trồng chưa đa dạng nên mức độ rủi ro cao. Rừng trồng chủ yếu thuần keo, chiếm trên 90% diện tích rừng trồng hiện có nên nguy cơ thiếu bền vững và dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh.
Lãnh đạo ngành lâm nghiệp tỉnh thừa nhận, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, chưa tạo những dải rừng, khu rừng cảnh quan môi trường, chưa gắn với phát triển du lịch sinh thái, kinh tế rừng. Hoạt động “trồng cây gây rừng”, trồng cây xanh chưa tạo được phong trào sâu rộng trong toàn dân. Cây sau khi trồng thiếu sự quản lý, không rõ trách nhiệm dẫn tới hiệu quả chưa cao, tỷ lệ cây sống thấp.
Các đơn vị có nhu cầu giống bản địa phải tìm nguồn cây giống từ các địa phương khác với chi phí cao. Keo lai vẫn là loài cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, mang lại lợi ích nhanh nhất cho người dân trồng rừng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ keo sang các loài khác, đặc biệt là cây bản địa với chu kỳ kinh doanh dài chưa nhận được sự đồng thuận của các chủ rừng.
Quy hoạch, quản lý cây xanh chưa chặt chẽ nên tình trạng chặt phá, khai thác cây xanh đô thị xảy ra khá phổ biến. Trồng cây xanh ở những nơi công cộng còn mang tính tự phát, manh mún; việc lựa chọn, bố trí loại cây trồng chưa phù hợp với từng công trình, từng địa phương. Cây xanh trồng ở các khu vực đô thị chủ yếu là cây lớn, cần tạo bóng mát nhanh sau khi trồng nên hệ rễ phát triển không ổn định, dễ bị gãy đổ do gió, bão…
Trồng thông caribe tại khu vực Phú Bài
Trồng tối thiểu 7 triệu cây xanh
Tiến sĩ Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 7 triệu cây xanh; trong đó 4,7 triệu cây phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và 2,3 triệu cây tập trung tại các khu rừng phòng hộ và rừng sản xuất gỗ lớn. Các loại cây xanh phân tán được trồng ở khu vực đô thị như hoa mai vàng, dầu rái, bàng, phượng, xà cừ, long não, bằng lăng, sấu, hoàng lan, ngọc lan, thông caribe, cọ dừa... Cây xanh đô thị chủ yếu trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng khác. Cây xanh sử dụng hạn chế như khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà ở...
Cây xanh nông thôn, công cộng gồm các loại cây lâm nghiệp được trồng trên diện tích đất vườn, đất ven đường, ven kênh mương, bờ vùng bờ đồng, các mảnh đất nhỏ phân tán khác có diện tích dưới 0,3 ha; các khu trung tâm, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp. Các loại cây xanh nông thôn khác như rừng phòng hộ đồng ruộng, bảo vệ vùng cát ven biển, chống xói mòn. Cây phân tán được trồng ở vùng đồng bằng, ven biển gồm hoa mai vàng, sao đen, huỷnh, dầu rái, lim xanh, lát hoa, bàng, keo lưỡi liềm, keo chịu hạn, dẻ, trâm, bời lời, mù u, quế rành, cà ổi. Cây phân tán được trồng ở vùng gò đồi, miền núi như mai vàng, sao đen, huỷnh, dầu rái, lim xanh, lát hoa, sưa, dó bầu, giáng hương, gõ, re gừng, keo lá tràm, keo lai hom.
Hàng năm, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000-6.000 ha rừng tập trung và khoảng 0,8-1,0 triệu cây trồng phân tán, nâng độ che phủ rừng đến nay đạt 57,38%. Riêng tổng số cây trồng phân tán trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 3,1 triệu cây, bình quân hàng năm trồng 0,62 triệu cây ở các khu công nghiệp, trường học, ao hồ nuôi trồng thủy sản… |
Cây xanh tập trung trên đất quy hoạch lâm nghiệp gồm trồng mới rừng gỗ lớn, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư, rừng rú cát, rừng phòng hộ biên giới. Các loài cây được trồng chủ yếu cây thân gỗ lâu năm, đa mục tiêu, bản địa như lim xanh, lát hoa, ươi, re gừng, gõ, dầu rái, sến trung, mỡ, kiền, chò... Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển sẽ trồng các loại cây ngập nước như bần chua, dừa nước, đước, tràm Úc. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển gồm keo lưỡi liềm, keo chịu hạn, dẻ, trâm, bời lời, mù u, quế rành, máu chó, cà ổi. Rừng sản xuất gỗ lớn với các loài cây sây sinh trưởng nhanh như keo tai tượng, keo lá tràm, keo lai hom, keo lưỡi liềm, xoan ta, gáo vàng, mỡ, trám đen. Cây sinh trưởng chậm như lát hoa, huỷnh, lim xanh, sến trung, sao đen, dầu rái, chò chỉ, giáng hương, re gừng, gõ đỏ, ươi, thông caribê.
Ngoài trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, hưởng ứng chủ trương trồng “Mai vàng trước ngõ”, các địa phương, người dân tiếp tục triển khai phong trào “Xanh phố - Xanh nhà - Xanh làng xóm”. Theo đó, mỗi người trong độ tuổi lao động phấn đấu trồng ít nhất là 1 cây xanh/năm ở các tuyến đường làng, ngõ xóm, đường phố, xung quanh nhà, khuôn viên trụ sở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các công viên, bãi đất trống, vườn nhà.
Để ứng phó biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoảng7 triệu cây xanh, trong đó 4,7 triệu cây phân tán và 2,3 triệu cây tập trung (tăng 140% so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ).
Bài, ảnh: Hoàng Triều