Bệnh khảm lá sắn với đặc tính lá bị cong queo, gây giảm năng suất nghiêm trọng
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương Phong Điền, Hương Trà, A Lưới khẩn trương chỉ đạo người dân nhỏ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh. Đối với diện tích sắn có trên 70% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy các cây bệnh. Sau 15-30 ngày xử lý, nhổ bỏ tiêu hủy sắn bị bệnh tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn, hom sắn còn lại mọc mầm thì tiếp tục nhổ bỏ, tiêu hủy triệt để.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện chế độ luân canh sang một số cây trồng khác.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Công ty TNHH MTV Nông sản XNK Hoàng Huy) có trách nhiệm khai báo với cơ quan chức năng nguồn gốc giống sắn khi đưa các tỉnh khác về địa phương, đồng thời cam kết cung ứng giống sắn sạch bệnh cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2021 diện tích trồng sắn trên địa bàn tỉnh khoảng 3.557ha, hiện đang giai đoạn phát triển thân lá, bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng hơn 1.070 ha, nguyên nhân do người dân đã sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước và mua giống từ các vùng khác đem về.
Tin, ảnh: Hà Nguyên