Côn đồ, a dua

Theo cáo trạng, lời khai của bị cáo, nhân chứng tại phiên tòa: Khuya 1-8-2014, Huỳnh Trần Nhật Thắng (sinh năm 1995, trú tại xã Phú Thượng, Phú Vang) chạy xe máy trên địa bàn thôn Phú Khê (xã Phú Dương, Phú Vang). Lúc này, Dương Quang Việt cùng nhóm trai làng là Cao Văn Rốp, Dương Anh Hào, Trần Nhân Nghĩa, Lê Quang Vinh đang ngồi uống bia. Việt nói: “Ê, mi chạy xe từ từ không tau đánh”. Không ngờ, chỉ vì một câu nói đó mà Thắng nổi máu côn đồ, điện thoại rủ rê, tập hợp thêm 5 “chiến hữu” là Lê Văn Quý (sinh 1995), Phạm Văn Đài (sinh 1994), Nguyễn Văn Thuận (sinh 1993), Nguyễn Thuận (sinh 1995) và Nguyễn Hữu Phúc. Cả bọn “thủ” mã tấu, dao, đùi gỗ, đi trả thù Việt.
Thời điểm đó, vô tình Trương Văn Nghi (sinh viên ngành Luật, năm 3), đi sinh nhật bạn về, đang mở cổng vào nhà thì nhóm Việt gọi sang ngồi chơi. Nể bạn bè cùng thôn, Nghi vừa ngồi xuống ghế chưa bao lâu thì thấy nhóm thanh niên gồm 6 người lăm lăm dao, mã tấu…, đi trên ba xe máy rú ga phóng tới. Thắng nhảy xuống xe vung mã tấu chém Việt. Nhóm Việt hoảng hốt bỏ chạy tán loạn. Nghi đang còn chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào, hoảng quá cũng theo Rốp, Hào chạy qua cầu Chợ Nọ. Vậy nhưng cả ba người bị Đài, Thắng (cầm mã tấu), Quý (cầm dao) đuổi theo truy sát. Hào và Rốp nhảy qua thành cầu xuống sông thoát thân. Nghi không biết bơi nhưng cùng đường phải nhảy xuống sông, tử vong.
Hội đồng xét xử nhiều lần đặt câu hỏi, tại sao chỉ vì một câu nói của Việt mà Thắng phải rủ rê 5 thanh niên khác chuẩn bị hung khí nguy hiểm để “trả thù”? Tại sao khi nghe Thắng rủ rê, không bị cáo nào ngăn cản mà sốt sắng hưởng ứng? Thắng mâu thuẫn với một mình Việt, bàn bạc với cả nhóm “trả thù” Việt, tại sao lại quyết liệt truy sát những người khác, khiến một thanh niên vô tội thiệt mạng? Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo có nghĩ đến hậu quả?... Các bị cáo im lặng cúi mặt rồi lí nhí giải thích “Chỉ giúp Thắng”. Hội đồng xét xử phân tích cách “giúp bạn” của các bị cáo là a dua sai trái, mù quáng, vi phạm pháp luật. Hành vi của các bị cáo mang tính chất côn đồ, hung hãn, nếu không phòng ngừa, ngăn chặn sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng xã hội.
 
Lời cảnh tỉnh
Phòng xét xử lặng xuống. Tiếng khóc của người thân bị hại bật lên thê thiết. Ở địa phương, ai cũng biết Nghi là thanh niên tốt, rất hiếu thảo với cha mẹ, chăm chỉ học hành. Cha mẹ các bị cáo cúi mặt với những tiếng thở dài thườn thượt. Cả 6 bị cáo đều đủ 18 tuổi trở lên, phải tự mình chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm của bản thân. Tuy nhiên, để con sa vào lối sống và hành vi ứng xử không đúng như thế này, gây hại cho người khác, cho xã hội, không thể không có phần trách nhiệm quan trọng của gia đình trong quá trình giáo dục, uốn nắn.
Có lẽ cũng vì thế, những bậc cha mẹ dù đang “tay xách nách mang” đồ ăn thức uống để “tiếp tế” cho con, nhưng vẫn lắc đầu quầy quậy phủ nhận mình là người thân của các bị cáo. Tương tự, Việt là bị hại (bị Thắng chém gây thương tích), nhưng lại xin vắng mặt tại phiên tòa. Trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ bị hại này thấy mình cũng có một phần lỗi vì là người đã “châm ngòi” bởi câu nói có phần “anh chị” khi đang có men bia rượu, dẫn đến vụ án nghiêm trọng.
 Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Thuận, Nguyễn Văn Thuận chỉ đồng phạm với Thắng trong việc đánh Việt mà không rượt đuổi gây ra cái chết của Nghi nên bị truy tố theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khung hình phạt đến 3 năm tù). Thắng, Đài, Quý là những bị cáo rượt đuổi truy sát khiến Nghi phải nhảy xuống sông tử vong, bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt đến 15 năm tù). Theo đó, tòa phạt Thắng 8 năm tù, Đài 7 năm tù, Quý 6 năm 6 tháng tù. Phúc và Nguyễn Văn Thuận mỗi bị cáo 9 tháng tù. Nguyễn Thuận 1 năm tù.
Câu chuyện đáng tiếc và đau lòng này là cảnh tỉnh, nhắc nhở đối với thanh thiếu niên trong ứng xử, lối sống và các bậc cha mẹ, gia đình trong quá trình giáo dục, uốn nắn, đừng để con sa chân vào những “vết trượt”.
Quỳnh Anh