Đó là những gì mà chúng tôi thu nhận được sau hơn 3 năm vận hành hoạt động của mình trên nền tảng số. Về mặt hành chính, điều này cũng đồng thời mang đến nhiều lợi ích khác khi sử dụng hạ tầng ảo về các loại chi phí văn phòng, chi phí thời gian…

So với khu vực hành chính, chuyển đổi số trong kinh doanh mở ra biên độ rộng hơn rất nhiều. Nó không chỉ là việc đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty mà còn mang lại các lợi ích khác xung quanh việc tiết giảm chi phí vận hành, diện tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng được mở rộng.Việc đưa ra những quyết sách từ phía những người điều hành cũng được thực hiện nhanh và tốt hơn dựa trên những thông số được cập nhật liên tục, bao gồm cả tính dự báo.

Có rất nhiều cách định nghĩa và chia sẻ về chuyển đổi số dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng tựu trung lại, có thể hiểu về mục đích mà chuyển đổi số hướng tới, không có gì khác hơn là thay đổi phương thức/mô hình kinh doanh để tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Điều này đồng thời cũng đòi sự thay đổi, như một cách thích nghi nhanh và ngay của cả một bộ máy để đáp ứng việc tổ chức vận hành nó trên nền tảng số. “Nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi” là cách đề cập về yêu cầu của chuyển đổi số đến từ ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.

Chúng ta đã bước qua năm 2020 – năm được xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm mà COVID-19 đã mang đến quá nhiều biến động cho thế giới. Tuy nhiên, những biến động này cũng cho thấy, chuyển đổi số đã trở thành một phương thức sống còn trong kinh doanh và phát triển. Thúc đẩy chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước sang một giai đoạn phát triển mới cao hơn về chất là yêu cầu cũng là yêu cầu được đặt ra từ phía Chính phủ và sau năm 2020, những năm tiếp theo, việc chuyển đối số phải được vận hành và tăng tốc để hướng đến một “Việt Nam số”. Đó cũng là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động xã hội.

Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số và chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên là 5 nhiệm vụ và giải pháp mà Thừa Thiên Huế phải tập trung thực hiện tại Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh. Trong đó, mục tiêu cơ bản trong tầm nhìn gần nhất là đến 2030, phải hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Lê Nguyễn An