Người trồng sen cần liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm sen ở Huế
Lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa
“Trồng sen nếu phòng trừ tốt bệnh thối lá thì cho năng suất cao, lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa”, ông Hoàng Độ, một nông dân trồng sen ở thôn Sơn Tùng (Phong Hiền, Phong Điền) nói chắc nịch.
Vùng sen Bàu Niên ở xã Phong Hiền khoảng 50ha, chiếm hơn 90% diện tích trồng sen ở địa phương này. Nhiều năm nay, trừ những đợt dịch bệnh như cuối năm 2019, nghề trồng sen mang lại thu nhập cao cho nông dân Phong Hiền. Bằng chứng là, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đã được người dân dần chuyển đổi qua trồng sen.
Ông Hoàng Độ là một trong những hộ dân đầu tiên ở vùng Phong Điền mang cây sen về trồng. Hơn 25 năm trồng sen, ông Độ đã có trong tay 15 ha sen ở vùng Bàu Niên, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông còn thuê thêm 2 ha diện tích mặt nước ở Quảng Vinh (Quảng Điền) để phát triển diện tích trồng sen.
“Cứ bình quân 1 sào thu được 1,5 tạ hạt sen với giá bán (thời cao điểm) 55-60 nghìn đồng/kg, trong khi trồng sen nguồn giống chủ động, ít công chăm sóc, thương lái thu mua tận chân ruộng nên lãi rất cao”, ông Độ thổ lộ.
Nhiều năm nay, các hộ dân trồng sen ở Bàu Niên đã sáng tạo hồ ươm để duy trì giống sen mới. Đó là các độn cát cao, sen được ươm trồng trước khi xuống giống nhưng không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Ngoài bán hạt sen, nhiều hộ dân ở Sơn Tùng còn chuyên chăm cây bán mặt giống.
Ông Hoàng Diên Khởi, một hộ dân cho biết, giống sen đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản. Các hộ dân chủ yếu tự sản xuất nguồn giống, để lại qua các mùa vụ.
Theo Sở NN&PTNT, những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhằm xoá thế độc canh cây lúa, tận dụng triệt để nguồn đất đai sẵn có trên địa bàn; nhất là diện tích mặt nước hoang, ao, hồ.
Trồng sen bước đầu chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, được địa phương tin trồng như sản phẩm sen Tịnh Tâm, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang.
Nông dân Sơn Tùng (Phong Hiền) thu hoạch sen giống
Hình thành thương hiệu Sen Huế
Theo các địa phương, sen là loại cây dễ trồng và ít công chăm sóc, giá sen ổn định nên diện tích trồng sen ngày càng mở rộng. Từ năm 2017 đến nay, diện tích trồng sen liên tục tăng lên, đến nay đạt khoảng 531ha (năm 2020 tăng thêm 36 ha), năng suất đạt 14,4 tạ/ha, sản lượng 765 tấn với giá bán lẻ từ 30.000-60.000 đồng/kg, cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, do diện tích trồng sen ở nhiều địa phương còn manh mún và thiếu quy hoạch hoặc chưa được đầu tư đúng mức về kỹ thuật nên cho năng suất thấp. Để tạo ra sản phẩm hàng hoá cần có đầu tư thâm canh, mạnh dạn mở rộng diện tích trên các vùng đất hiện có để trồng sen.
Theo đó, cần chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, mặt nước hoang, đất lúa một vụ, ao, hồ, sông, hói cụt… sang trồng sen và quy hoạch vùng trồng sen trọng điểm (Phong Điền, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền), cùng liên kết nhiều hộ trong cùng một địa phương thành vùng trồng sen tập trung để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, mới đây, UBND tỉnh có kế hoạch phát triển trồng sen trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, trên cơ sở phát huy lợi thế giá trị của cây sen trên địa bàn.
Xác định vùng sản xuất cây sen phù hợp với thổ nhưỡng, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo sự dịch chuyển mang tính bền vững từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHCN, góp phần bảo vệ nguồn gen, kết hợp du lịch sinh thái và ẩm thực của Huế nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ triển khai các giải pháp như đào tạo, tập huấn cho những hộ nông dân nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây sen, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc theo hướng VietGAP, phòng trừ sinh vật gây hại.
Các địa phương có diện tích sen lớn, tập trung cần thành lập các tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất và tiêu thụ sen nhằm quảng bá sản phẩm, hình thành nhãn hiệu sen cho vùng trồng để kích cầu tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Có chính sách khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen. Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, các điểm du lịch… làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, sẽ mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Triển khai mạnh và thường xuyên các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội thi đối với các sản phẩm từ cây sen. Hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn. Sớm tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sen Huế” cho các sản phẩm sen của tỉnh.
Ưu tiên nghiên cứu khoa học UBND tỉnh sẽ ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học để xác định biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao nhất đối với các đối tượng dịch hại đang phát sinh gây hại trên các vùng trồng sen ở các địa phương. Chú trọng công tác tuyển chọn giống sen có năng suất, chất lượng để trồng với việc bảo tồn khai thác nguồn giống sen Huế hiện có trên địa bàn tỉnh. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên