Kinh tế dự kiến sẽ phục hồi đồng bộ trên toàn cầu trong năm 2021. Ảnh: Reuters/LD

Với sự dẫn đầu của Mỹ, quốc gia được dự đoán sẽ chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng chưa từng có kể từ thời hoàng kim của những năm giữa thập niên 80, tất cả các khu vực trên thế giới dự kiến ​​sẽ có những cải thiện đáng kể sau đợt suy giảm do đại dịch năm 2020. 

Ngân hàng dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 6,4% trong năm nay. Tại Mỹ, tăng trưởng ước tính đạt 5,9%, trong khi khu vực đồng euro sẽ ở mức 5%, Vương quốc Anh là 5,3%, Nhật Bản 2,4%, Trung Quốc 9% và Ấn Độ 9,8%.

Thực tế, 86% trong số gần 200 quốc gia mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã công bố các báo cáo cập nhật đều chứng kiến GDP sụt giảm trong năm 2020. Và đại dịch sẽ để lại “những vết sẹo” lâu dài. Tính đến tháng 2/2021, khoảng 10 triệu người vẫn thất nghiệp ở Mỹ và sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động giảm 2 điểm phần trăm trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến tháng 2/2021. Tháng trước, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết tầng lớp trung lưu toàn cầu có thể giảm 54 triệu người, trong khi nhóm người nghèo tăng thêm 131 triệu người do đại dịch.

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể sẽ tương đương với tốc độ suy giảm, với mọi quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều công bố GDP dương trong quý III.

Mới đây, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên 6%, cao hơn 0,5% so với ước tính được đưa ra hồi tháng Giêng trước đó. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gopinath, phần lớn sự tăng trưởng này là do sự cải thiện của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, và "sự phục hồi đang khác nhau" giữa các quốc gia.

Trong khi hầu hết các nền kinh tế sẽ trở lại mức trước đại dịch trong năm nay hoặc vào đầu năm 2022, mức tăng trưởng sẽ được phân bổ không đồng đều. Nhà kinh tế cấp cao Barret Kupelian của PwC cho rằng hầu hết là các nền kinh tế tiên tiến dựa vào dịch vụ (Anh, Pháp, Tây Ban Nha) hoặc tập trung vào xuất khẩu hàng hóa tư bản (Đức, Nhật Bản) khó có khả năng phục hồi trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm nay.

Mặc dù hầu hết các nền kinh tế tiên tiến đều sử dụng biện pháp kích thích tài khóa và tín dụng để ngăn chặn ảnh hưởng của đại dịch, nhưng bản chất đặc biệt của chính sách xã hội và chính trị của một số quốc gia đã tạo ra các kết quả khác nhau. Tại Mỹ, người lao động phải chịu nhiều tổn thất khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao kỷ lục 14,8% vào tháng 4 năm ngoái, khiến chính phủ nước này phải có những bước đi phù hợp. Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực để đưa Mỹ tiến gần hơn đến một mạng lưới an sinh xã hội vững mạnh. Nhiều dự báo cho thấy năm 2021 sẽ chứng kiến sự vượt trội về kinh tế của Mỹ. Điều đó được “hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lợi thế về vốn nhân lực và khu vực doanh nghiệp tư nhân sôi động, đổi mới và hiệu quả”.

Trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông Goldman cho rằng Đức sẽ sớm vượt trội hơn nhờ nền tảng công nghiệp vững chắc và dẫn đầu trong thương mại toàn cầu, trong khi Pháp, Italia và Tây Ban Nha sẽ tụt lại cho đến khi bắt kịp đà tăng trưởng vào cuối năm. Dưới tác động của nhiều yếu tố, dự báo GDP của khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,6% trong năm nay.

Với Vương quốc Anh, quốc gia này chứng kiến ​​GDP giảm khoảng 11%, mức giảm hàng năm mạnh nhất trong 300 năm qua. Nước này cũng đang phải vật lộn với tương lai hậu Brexit, khi nó cản trở xuất khẩu và một số dịch vụ xuyên biên giới.

Ở châu Á, Nhật Bản có thể được hưởng lợi từ sự thế mạnh truyền thống trong xuất khẩu hàng điện tử và máy móc công nghiệp một khi thương mại toàn cầu khởi sắc trở lại. Trung Quốc, nơi virus SARS-COV-2 xuất hiện lần đầu tiên, đã hồi phục nhanh nhất và nền kinh tế của nước này thực sự trở lại mức trước đại dịch vào mùa hè năm ngoái. Bernard Baumohl, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại The Economic dự báo “trong năm 2021, Nhật Bản sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ khi các doanh nghiệp tăng cường đáng kể sản lượng tổng thể để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về ô tô, hàng hóa điện tử và thiết bị sản xuất”.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi bước vào năm 2021 với đà tăng trưởng tốt, sau khi rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và nhanh chóng có các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ phù hợp. Goldman Sachs dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới “sẽ tạo ra làn gió mát cho xuất khẩu của các thị trường mới nổi”.

Tuy nhiên, như mọi khi, vẫn có rất nhiều lo ngại về địa chính trị với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc cả về quân sự và kinh tế. Mối quan hệ giữa những các cường quốc cũng có thể gây bất ổn cho thị trường. Ngoài ra, lạm phát có thể gây ra những bước ngoặc bất ngờ, và luôn có khả năng một loại virus khác, hoặc một biến thể khác của COVID-19, bùng phát.

Mặc dù vậy, một số đánh giá vẫn cho thấy năm 2021 có vẻ tốt hơn rất nhiều so với năm 2020.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ FT & Reuters)