Những năm qua, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, qua đó, có nhiều dự án phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít dự án chậm, treo ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại số 02 Nguyễn Tri Phương chậm tiến độ

Hệ lụy

Khu tái định cư Lộc Vĩnh có hơn 100 hộ dân nhường đất cho các dự án du lịch ở Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Ông Huỳnh Văn Đò (50 tuổi) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có gần 2 ha đất trồng lúa, khoai, sắn và chăn nuôi lợn, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, trừ mọi chi phí còn có của ăn của để. Từ ngày đến nơi ở mới, không có đất để sản xuất; cuộc sống khó khăn vất vả lắm. Tiếng thì sống ở quê nhưng nhà ở san sát nhau như ở phố, ai thuê chi làm nấy”.

Hơn 300 hộ dân thôn Phú Hải 2 của xã Lộc Vĩnh có đến 3 dự án khu du lịch đã được tỉnh cấp phép từ nhiều năm trước. Đó là, dự án công ty Hòa Bình 7,8ha thu hồi đất của người dân từ năm 2009; Thiên Đường 7,6 ha thu hồi đất năm 2010 và dự án sân golf Phong Phú giai đoạn 1 thu hồi 8,9 ha vào năm 2007 và giai đoạn 2 là 302 ha vào năm 2010, đã kiểm kê đất, tài sản của dân nhưng đến nay vẫn chưa áp giá đền bù. Sau nhiều năm cấp phép, các dự án này vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.

Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, năm 2001, UBND tỉnh đã giao 153ha rừng dẻ nguyên sinh cho thôn Phú Hải 2 quản lý theo hình thức cộng đồng. Quá trình quản lý có quy ước, trường hợp nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, từ khi số diện tích này bàn giao cho dự án thì rừng dẻ nguyên sinh trong vùng dự án đã và đang bị người dân chặt phá để trồng tràm chờ đền bù, thu lợi.... Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 5ha rừng này bị người dân chặt phá.

Tại dự án Thiên Đường, rừng dẻ nguyên sinh cũng đã bị chặt trụi từ lâu, chỉ còn lại bãi cát. Tương tự, dự án Hòa Bình, mặc dù không hề triển khai xây dựng kể từ khi được cấp phép, nhưng nhiều đồi cát thuộc khu vực dự án đã và đang bị tàn phá. Theo một số người dân sống gần khu vực này cho biết, nhiều tháng trở lại đây, vào ban đêm, liên tục có xe tải đến khu vực này xúc cát chở đi nơi khác. Nhiều cồn cát phòng hộ ven biển đã bị đào bới tan hoang. Trước tình trạng khai thác cát trái phép này, ngày 9-9-2014, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các Nhà đầu tư quản lý tốt khu đất được giao và sớm triển khai các dự án đã được cấp phép. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh nạn khai thác cát trái phép ở xã Lộc Vĩnh.

Ông Bùi Ngọc Ga cho rằng, việc rừng và những dải cồn cát phòng hộ ven biển ở thôn Phú Hải 2 bị tàn phá đã và đang gây ra nạn cát bay và sạt lở bờ biển. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài thì hậu quả địa phương phải gánh chịu sẽ rất nặng nề. 

“Treo” vì không vay được vốn

Hạn chế mức thấp nhất về những thiệt hại và bức xúc cho người dân, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh cương quyết xử lý và thu hồi 23 dự án treo và chậm. Đơn cử, như dự án Di dời và mở rộng quy mô sản xuất nhà máy xi măng Long Thọ, thu hồi giấy phép ngày 26-4-2014; Khu phức hợp xử lý và tái chế chất thải đô thị Lemma, thu hồi giấy phép ngày 16-8-2013; Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương, thu hồi giấy phép ngày 22-9-2010; Khu biệt thự nghỉ dưỡng quốc tế Hòa Bình, thu hồi giấy phép ngày 25-6-2012…

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Theo quy định khi cấp giấy phép đầu tư, nhà đầu tư phải có trách nhiệm kê khai năng lực tài chính. Tuy nhiên, theo luật đầu tư thì doanh nghiệp chỉ có 20% vốn tự có, phần còn lại là họ vay ngân hàng. Do các doanh nghiệp vay ngân hàng không được mới dẫn đến tình trạng dự án treo, dự án chậm….”

Thực tế tất cả các nhà đầu tư trong kinh doanh không sử dụng hoàn toàn vốn tự có để đầu tư dự án. Theo luật đầu tư thì chỉ có 20% vốn tự có, phần còn lại vay ngân hàng. Quan trọng, ngân hàng có đồng ý để thẩm định dự án cho nhà đầu tư vay không. Nhìn tổng quan, trong số các dự án chậm triển khai là do nhà đầu tư đó không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng, chứ không phải nhà đầu tư yếu. 80% dự án chậm triển khai đều rơi vào tình trạng không tiếp cận được vốn vay.

Thực trạng chung hiện nay các dự án treo và chậm triển khai ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Điều lo nhất là nhà cửa của người dân tạm bợ vì không được xây dựng, sửa chữa nên hết sức nguy hiểm khi có mưa bão. Suốt hơn 3 năm qua, gia đình bà Bà Nguyễn Thị Kiều (ở xã Lộc Vĩnh) phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, vì dự án xây dựng sân golf của Công ty Phong Phú-Lăng Cô. “Từ ngày chủ đầu tư sân golf về kiểm tra, đo đạc thì họ nói rằng, 1 tháng sau sẽ chuyển gia đình tôi và các hộ dân trong thôn lên khu tái định cư mới. Gia đình tôi đợi mãi vẫn không thấy trong khi nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn không sửa chữa được...”, bà Kiều bức xúc.

 
Kỳ 2: Lập lại môi trường đầu tư

 

Minh Hằng