Thực trạng chung của các DN này là sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu vào sản xuất, gây ô nhiễm môi trường và năng suất lao động thấp.

Đổi mới công nghệ, thiết bị trong đúc đồng góp phần tăng năng suất và hạn chế ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ đổi mới công nghệ trong DN đến nay bình quân chỉ đạt 43,8% DN có đổi mới công nghệ, thiết bị. Điều này đặt ra những thách thức trong quá trình thay đổi mô hình, công nghệ sản xuất từ năng lượng đen (ô nhiễm môi trường) sang năng lượng xanh (thân thiện với môi trường), thay đổi thói quen tiêu dùng để hướng tới nền kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu chậm trễ trong đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, DN không chỉ khó cạnh tranh mà còn đẩy môi trường của đất nước đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm.

Để đi theo con đường phát triển kinh tế bền vững, không ai khác, DN chính là chủ thể cần chủ động trong việc ứng dụng, đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất, kinh doanh. Thực tiễn cho thấy, gây ra ô nhiễm môi trường phần lớn cũng do DN, việc khắc phục ô nhiễm môi trường cũng phải xuất phát từ DN. Nên việc phát huy được vai trò của các DN trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Khi tham gia đầu tư công nghệ, thực hiện các nghĩa vụ về BVMT sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của DN. Trong ngắn hạn, nếu các DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần BVMT có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của DN tăng lên, nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, giảm các chi phí liên quan đến pháp lý BVMT, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Chính vì vậy, trong dài hạn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu chú trọng tới đầu tư công nghệ và BVMT, giúp DN thu được lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội và vị trí thương mại.

Không chỉ DN phải đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị tại cơ sở sản xuất kinh doanh mà phải có trách nhiệm cùng nhà nước trong việc đầu tư, hình thành các hệ thống, công nghệ xử lý nguồn thải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường quy định. Hiện nay, vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT, gây ô nhiễm. Trên cả nước, tỷ lệ khu công nghiệp (KCN) đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt 75% và chỉ có 5% cụm công nghiệp đang hoạt động có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu quy chuẩn Việt Nam.

Ở Thừa Thiên Huế, tỷ lệ KCN, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn thấp hơn nhiều. Song may mắn là tại những khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung có tỷ lệ lấp đầy cơ sở sản xuất kinh doanh còn quá thấp. Ngoài ra, hiện nay cả nước có hơn 4.500 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN