Báo cáo PCI 2020 là ấn phẩm thường niên năm thứ 16 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Trong CPI có đến 10 chỉ số thành phần, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Còn PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân. PAPI bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và 92 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.

Tuy các chỉ số thành phần của CPI và PAPI được đánh giá riêng biệt, nhưng chúng có quan hệ mật thiết với nhau, phản chiếu hiệu quả trong việc cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các chính sách, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thái độ phục vụ... Thông qua bảng xếp hạng PCI, PAPI  hàng năm là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, nên đây là bộ chỉ báo tin cậy và khách quan về chất lượng điều hành cấp tỉnh của các địa phương.

 Những chỉ số CPI và PAPI năm 2020 vừa được công bố đã ghi nhận những nỗ lực của Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực … Theo đó, thời gian qua Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển, phục vụ người dân. Chẳng hạn, chỉ riêng đưa Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động đã tác động tích cực đến nhiều chỉ số như, tạo tính công khai minh bạch, giảm chi phí thời gian, hạn chế tiêu cực… Tỉnh cũng triển khai xây dựng và công bố thường niên Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) để  giám sát hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo các sở ngành, huyện thị đối với hoạt động của các đơn vị mà họ phụ trách. Đặc biệt, với việc đưa Trung tâm điều hành Đô thị thông minh (Hue-S) vào hoạt động sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Tuy nhiên, với xu hướng thu hút đầu tư xanh theo báo cáo PCI năm 2020, Thừa Thiên Huế sẽ đối diện với nhiều thách thức mới trong việc nâng cao chỉ số PCI. Trong định hướng thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021-2026, vấn đề này cũng được đặt ra.

Để hiện thực hóa định hướng, điều cần thiết cần có khung chính sách và tiêu chí cụ thể trong thu hút đầu tư FDI. Chẳng hạn, với Bắc Ninh xây dựng tiêu chí  “ba cao” là công nghệ cao, môi trường cao, ngân sách cao và “hai ít” là sử dụng ít đất, ít lao động. Thừa Thiên Huế có nhiều thế mạnh để cụ thể hóa các tiêu chí riêng phù hợp, nhất là nguồn nhân lực, hạ tầng, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa... Nếu làm tốt điều này, chắc chắn vị thứ PCI của Thừa Thiên Huế sẽ có sự thăng hạng mạnh.

Hoàng Minh