Bà Hương (người bán "sâm") và người phụ nữ "mồi" (bên trái) |
Trên thực tế, hình ảnh dược liệu bày bán ở chợ Tây Lộc không giống với hình ảnh của sâm cao ly thường thấy. Chúng có hình dạng giống với củ sắn, màu đen sậm. Lõi bên trong màu trắng và không có mùi, được bày bán không nhãn mác, không nơi xuất xứ. Kể cả khi phát âm tên dược liệu, người bán cũng không thống nhất, lúc nói là sâm cao ly, lúc bảo “cu ly”.
Theo bà Hương, thỉnh thoảng có hàng, bà mua rồi mang đến nhiều tỉnh thành bán lại với giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/ 1kg (trong khi đó, sâm cao ly thật, giá cả lên đến con số hàng triệu đồng. Bà quả quyết, người dùng có thể sắc nước khi còn tươi hoặc khô để uống, ngày uống 3 lần, trong vòng nửa tháng sẽ giảm ngay các triệu chứng đau xương khớp, nhức mỏi cơ thể.
Sau mấy ngày liền quan sát, chúng tôi nhận thấy, khi có khách nào ghé vào hỏi thì ngay lập tức có một phụ nữ chừng 30 tuổi (người này cứ di chuyển quanh quẩn khu vực bà Hương bán hàng) cũng sà xuống, lựa hàng cho vào túi ni lông rồi đặt lên bàn cân. Vừa “mua”, chị này vừa quảng cáo với khách “Em mua đi, củ này uống tốt lắm, chị mới dùng nửa tháng mà thấy đỡ đau hẳn, đi lại thoải mái hơn nhiều” hoặc “chị này (tức bà Hương) thỉnh thoảng mới về đây bán, tranh thủ mua đi, hàng này hiếm lắm”. Khi khách đi khỏi, số “sâm cao ly” mà chị này vừa “mua” được chuyển trả lại cho người bán (bà Hương). Màn kịch đó cũng được một bà cụ chừng 70 tuổi bán bánh kẹo (ngồi cạnh bà Hương) lặp lại với những câu “mồi” như: “Cho mệ một cân đi, mua về phơi dự trữ, uống nhanh lành thật”, “May có hắn mệ mới đi tới được chợ đây con ơi”!
Loại củ người bán hàng giới thiệu là "sâm Cao Ly" bán với giá 80.000đ-100.000đ/kg |
Không ít người vì tin vào những “khách hàng” đó đã mua về để sắc uống, mà không hề biết sự thật là bà lão bán bánh kẹo và người phụ nữ suốt buổi loanh quanh khu vực đó chỉ giả vờ làm khách hàng cũ, là “mồi” nhử khách.
Chưa biết rõ sản phẩm đó là gì, chất lượng ra sao, nguồn gốc ở đâu, tin nhầm những người đang giở “chiêu lừa” như nêu trên, khách hàng coi chừng lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Bài, ảnh: Yên Thường