Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để tổ chức Thế vận hội Tokyo. Ảnh minh họa: VTV.vn

“Nhật Bản đang lắng nghe và học hỏi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia”. Thêm vào đó, đất nước cũng đang làm hết mình để chuẩn bị cho thế vận hội. Tôi bày tỏ quyết tâm hiện thực hóa Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo như biểu tượng của sự thống nhất toàn cầu”, ông Suga Yoshihide cho biết trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng.

Theo đó, sau khi bị hoãn một lần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thế vận hội Tokyo sẽ khai mạc vào tháng 7.

Tuy nhiên, sự không chắc chắn về khả năng diễn ra sự kiện thể thao này đã và đang gia tăng trong bối cảnh số ca nhiễm mới cũng tăng lên chóng mặt và lời cam kết về sự an toàn của Thủ tướng Suga Yoshihide được đưa ra khi cuộc khủng hoảng về đại dịch đang có những tiến triển phức tạp.

Cùng ngày 16/4, các nhà tổ chức cho biết đã hủy bỏ thêm một chặng khác của cuộc rước đuốc cho Thế vận hội Olympic, đánh dấu chặng thứ ba bị ảnh hưởng do sự gia tăng của số ca nhiễm. Sự kiện thử nghiệm thử nghiệm bộ môn đạp xe tự do BMX Freestyle dự kiến diễn ra vào ngày 24-25/4 cũng sẽ bị hoãn.

Cũng trong dòng tin về đại dịch, Thủ tướng Canada Justin Trudeau mới đây cho biết Pfizer đang nỗ lực tăng gấp đôi số lượng vaccine cho Canada trong tháng tới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Hội Chữ Thập đỏ đã sẵn sàng triển khai tiêm chủng ở tỉnh Ontario trong bối cảnh đợt lây nhiễm mới hoành hành khiến số ca nhiễm tại đây tăng cao kỷ lục.

Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, đại dịch đặc biệt ảnh hưởng trầm trọng đến thành phố Toronto – thành phố lớn nhất của Canada, với các ca nhiễm đang lấp đầy dần những giường bệnh nặng, cần chăm sóc đặc biệt.

Tính đến 7h23p ngày 17/4, Canada đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,1 triệu ca nhiễm COVID-19, con số tử vong chạm mốc hơn 23.000 người và có gần 997.300 bệnh nhân đã bình phục.

Trong khi đó ở Italy, chính phủ nước này thông báo sẽ giảm bớt các hạn chế phòng chống dịch ở nhiều khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 từ ngày 26/4, song vẫn cảnh báo rằng cần tránh tối đa nguy cơ bùng phát dịch trở lại khi bắt đầu lại những hoạt động đã ngưng từ lâu.

Được biết, những hạn chế về kinh doanh và đi lại đã được áp dụng trong phần lớn khu vực ở Italy trong năm nay. Italy hiện là quốc gia có số người tử vong do đại dịch COVID-19 cao thứ 7 thế giới và vẫn có số người tử vong báo cáo mỗi ngày lên đến hàng trăm ca.

Theo chính sách nới lỏng hạn chế, từ ngày 26/4, hệ thống 4 mã màu, trong đó khu vực màu vàng và trắng ở Italy sẽ chứng kiến các nhà hàng và quán bar có thể phục vụ khách hàng ở khu vực bên ngoài. Cùng lúc, các rạp chiếu phim và rạp hát sẽ mở cửa trở lại với số khách hạn chế.

“Ý tưởng của chúng tôi là cho phép các bể bơi ngoài trời được hoạt động từ ngày 15/5 và khởi động lại một số hoạt động thể dục vào ngày 1/6”, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza trả lời phóng viên cho hay.

Hiện tại, ba khu vực được phân màu đỏ và 17 khu vực màu cam vẫn đang được áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt về kinh doanh và đi lại. Nếu tỷ lệ lây nhiễm giảm, hi vọng một số trong hai khu vực đỏ, cam này sẽ được khôi phục và chuyển thành màu vàng.

Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định, điều quan trọng là mọi người phải tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang liên tục để việc mở cửa trở lại các hoạt động có thể được tiếp tục.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)