Vọng Cảnh chỉ sau chưa tới 10 năm đã rợp mát bóng thông

Mong chờ đã quá lâu rồi

Người ta quan tâm cũng là điều dễ hiểu, bởi nói đến Huế, không ai là không nhớ Ngự Bình - một trong những biểu tượng của Kinh đô một thuở. Ngọn núi này không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, được xem là “bức bình phong, bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành”, mà còn được biết đến như một thắng tích, là một trong 9 ngọn núi thiêng được vua Minh Mạng cho chọn tạc vào Cửu đỉnh và ngự bút đề thơ “Ngự Bình sơn” để tụng ca.

Sau này, vua Thiệu Trị cũng tiếp nối vua cha, từng nhiều lần lên núi thưởng trăng và ngự chế thi phẩm “Bình lãnh đăng cao” (Núi Ngự lên cao). Theo thứ tự trong tập thơ ngự chế “Thần kinh nhị thập cảnh” của vua Thiệu Trị, núi Ngự Bình được xếp là cảnh đẹp thứ 12 trong 20 cảnh đẹp của đất Kinh đô. “Bình lãnh đăng cao” được triều đình cho tạc bia dựng ở chân núi, đến nay vẫn còn.

Ngự Bình - Sông Hương như là cặp “lưỡng nghi” âm dương của đất Thần kinh, là cái gốc để từ đó “sinh sôi vạn vật” trong vũ trụ, thiếu một trong hai thì thật khó để hình dung hình hài Huế sẽ như thế nào.

Hiện trạng núi Ngự Bình

Hai bờ sông Hương từ vài năm nay đã được chăm chút đầu tư trở nên hết sức đẹp đẽ và đang tỏa lan hiệu ứng tích cực. Nhưng Ngự Bình thì ngược lại, từ rất nhiều năm rồi vẫn xác xơ thông và u ám đìu hiu bởi bạt ngàn mộ địa của bá tánh. Ý tưởng sắp xếp, quy hoạch, khôi phục lại cảnh quan thật ra từ lâu đã được đặt ra với chính quyền địa phương. Do vậy, từ 2005, nơi đây đã được cắm bảng thông báo khu vực quy hoạch, cấm chôn cất, xây dựng mồ mả. Tuy nhiên, cấm thì cấm, việc chôn cất, xây dựng vẫn tiến diễn giữa thanh thiên bạch nhật mà không thấy bị nhắc nhở hay đình chỉ. Các tấm bảng cấm thì cũ nát, mờ tịt, bị cây cỏ khỏa lấp vẫn không thấy được ai ngó ngàng (!??). Số mộ phát sinh hoặc xây dựng mới từ 2005 đến nay hẳn là không hề nhỏ, gây thêm phức tạp, tốn kém cho việc di dời giải tỏa sau này.

Ngự Bình là ngọn núi thiêng, là thắng tích nổi tiếng. Việc khôi phục lại cảnh quan, tìm lại bóng mát cùng bản giao hưởng vĩnh cửu đầy mê hoặc của rừng thông Ngự Bình là ước vọng của bao thế hệ người Huế. Bởi vậy, khi nghe tin sẽ di dời chừng 10 vạn ngôi lăng mộ, giải tỏa chừng 34 ha để xây dựng công viên văn hóa Ngự Bình, là người Huế, ai cũng hào hứng, háo hức, bởi đó đã là điều mà họ đã mong chờ quá lâu rồi.

Tất nhiên, làm được việc ấy đòi hỏi nguồn kinh tài rất lớn. Tính toán sơ bộ, riêng kinh phí di dời giải tỏa đã phải tốn đến 1.000 tỷ đồng. Một số tiền quá lớn, nhất là trong bối cảnh COVID-19. Tuy nhiên, sau những gì mà tỉnh đã làm với Thượng Thành - Eo Bầu, với tái định cư Hương Sơ, với cảnh quan của Huế nói chung và đôi bờ sông Hương nói riêng, ai cũng tin, nhất định rồi Ngự Bình cũng sẽ làm được và sẽ làm sớm thôi. Bởi nếu suy cho cùng, đó không chỉ là vì cảnh quan riêng cho Huế, cũng không đơn thuần là sự đầu tư cho chỉnh trang chung chung mà là đầu tư cho phát triển.

Xã hội hóa từ đâu?

Một chuyện nữa mà không ít người quan tâm là sau di dời, giải tỏa, kinh phí đâu để tiếp tục xây dựng công viên văn hóa? Riêng chuyện phủ xanh lại rừng thông thôi có lẽ cũng đòi một nguồn kinh tài không hề nhỏ; chưa kể còn việc sắp đặt cảnh quan, trồng thêm thảm hoa, cây cảnh… vẫn là câu hỏi “đầu tiên - tiền đâu”? Và câu trả lời ai cũng nghĩ ngay là phải xã hội hóa. Tất nhiên phải có nguồn ngân sách “làm mồi” để khởi tạo hình hài cho công viên. Mà với Ngự Bình, cái cốt lõi trước hết hẳn phải là rừng thông.

Câu chuyện rừng thông khiến tôi nhớ về ông Phan Đình Ngôn. Hồi ấy, ông Ngôn đang làm Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh, năm 2001, đơn vị của ông được UBND TP. Huế giao trách nhiệm chỉnh trang và trồng thông tạo cảnh quan cho đồi Vọng Cảnh. Để có nguồn cây giống, ông đã cho người tìm mua trong các khu rẫy của cư dân vùng đồi. Nguồn cây giống ấy hầu hết đều do hạt thông phát tán mà mọc tự nhiên, vừa mạnh mẽ, cây lớn, lại không phải mất công ươm trồng, chăm sóc nên người dân bán khá rẻ. Rồi cũng nhờ đi lùng tìm mua giống trong dân, ông Ngôn đã bất ngờ được một lão nông bày cho mẹo trồng thông “cây nào sống cây ấy”, lại còn rất nhanh lên. Cái mẹo ấy rất đơn giản: Trong các hố trồng thông, gì thì gì cũng phải có một ít rác thông lót vào.

Vậy là từ nguồn cây giống và mẹo trồng thông trong dân, chỉ sau chừng chục năm, cả ngọn đồi Vọng Cảnh đã rợp mát bóng thông, trở thành một điểm du ngoạn lý tưởng cho du khách và công chúng. Ấy là một kinh nghiệm rất quý nếu được áp dụng cho việc tái tạo rừng thông Ngự Bình, nhất là trong điều kiện hiện nay, nguồn nước tưới không còn là vấn đề quá lớn khi mà áp lực và công suất của các nhà máy nước tại Huế đang hết sức dồi dào.

Bên cạnh diện tích thông được đầu tư ban đầu, chính quyền rất nên khuyến khích, tạo điều kiện “kích thích” để bất kỳ ai có nguyện vọng cũng được tự mình trồng 1 cây thông nơi đất thiêng non Ngự. Cây ai trồng thì tự thăm nom, chăm sóc lấy; hoặc có thể nhờ người thăm nom, chăm sóc và được treo biển ghi danh vào đó. Dạng như các vương tôn công tử, văn võ bá quan ngày trước được vua ân ban cho trồng 1 cây thông ở đàn Nam Giao vậy. Tham quan thắng tích lại còn được tự tay trồng 1 cây thông để lưu danh nơi non thiêng xứ Huế, hẳn sẽ tạo được cảm hứng cho rất nhiều người. Diện tích rừng thông thông qua giải pháp này hẳn cũng sẽ tăng dày rất đáng kể mà ngân sách không phải bỏ ra để đầu tư.

Tôn tạo tấm bia cổ khắc bài thơ ngự chế “Bình lãnh đăng cao” của vua Thiệu Trị chắc hẳn là việc nên làm. Bên cạnh đó, một số người đề xuất lập một ngôi miếu để ghi lại sự việc cũng như niệm ân hơn 10 vạn hương linh đã nhường “nơi ăn chốn ở” để Huế có điều kiện sắp xếp, chỉnh trang đô thị. Ngôi miếu ấy để những ai khi đến đây tham quan hoặc trồng thông vào viếng thăm, dâng một nén hương tưởng niệm, tri ân và nguyện cầu, thiển nghĩ cũng là việc làm hết sức nhân văn.

Huế trước đây có những trại điêu khắc quốc tế trước mỗi kỳ festival. Tái khởi động hoạt động này dưới chân núi Ngự sẽ giúp công viên văn hóa có những bộ sưu tập nghệ thuật quý, đồng thời gây nên sự sôi động và tạo sinh khí cho công viên.

Một số hoạt động mang tính xã hội hóa như vừa kể hy vọng sẽ giúp cho công viên văn hóa Ngự Bình sớm nên vóc nên hình; bức tranh Hương Bình cũng sẽ nhờ vậy mà sớm hoàn thiện, đáp ứng được lòng mong mỏi của công chúng và du khách yêu Huế.

Bài, ảnh: HIỀN AN