Một buổi tập của VĐV Karate - do Huế. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Huế & phần còn lại

Tại giải Karate khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 6 – 2021 tại Nghệ An hồi đầu tháng 4, tuyển Karate - do Thừa Thiên Huế góp mặt 25 VĐV, tham gia tranh tài 73 nội dung của 4 nhóm tuổi: 10-11, 12-14, 15-17 và trên 18 tuổi.

Sau 5 ngày thi đấu, với 13 HCV, 9 HCB, 11 HCĐ giành được, các võ sĩ Cố đô đã vượt qua 12 đoàn tham dự để lần thứ 6 liên tiếp đứng nhất toàn đoàn sau 6 lần giải đấu này diễn ra.

Nhìn vào bảng thành tích này, không quá khi nói Karate – do Huế đang là “bá chủ” khu vực, đồng thời, danh hiệu 6 lần liên tiếp đứng nhất toàn đoàn chắc chắn là mốc rất khó để các đoàn khác bắt kịp, chứ chưa nói đến việc vượt qua.

Cũng tại sân chơi này, bên cạnh kumite (đối kháng), Karate – do Huế còn cho thấy sự thống trị ở nội dung kata (quyền). Nếu như ở 5 mùa giải trước, số HCV của kata tương đương kumite thì ở giải lần thứ 6, số HCV kata là 8/13 tổng số HCV giành được. Và với nội dung ít nhiều còn phụ thuộc vào cảm tính khi chấm điểm như kata, điều này đã nói lên rằng, Karate – do Huế đang có những đầu tư cùng sự tiến bộ khá đồng đều chứ không còn thiên về kumite như trước đây.

“Giải Karate khu vực miền Trung - Tây Nguyên được xem là giải đấu khởi động đầu năm của Karate khu vực. Thông qua thành tích tại giải, ban huấn luyện các tỉnh, thành sẽ có những phương án, điều chỉnh phù hợp trong tập luyện, thi đấu cho VĐV để từ đó nâng cao thành tích ở các giải đấu lớn hơn trong năm, đồng thời, đây cũng là nơi để phát hiện những tiềm năng từ tuyến trẻ, minh chứng là gần đây, từ giải đấu này Karate – do Huế đã xuất lộ nhiều gương mặt triển vọng, như: Phan Đào Thế Duy, Lê Văn Tình…”, Trưởng bộ môn Karate tỉnh Lê Văn Lộc cho biết.

Nhìn thẳng

Những thành tích tại giải khu vực miền Trung - Tây Nguyên là cơ sở để phần nào chứng minh sự tiến bộ của Karate – do Huế trong hành trình tìm lại vị thế trên bản đồ thành tích quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tán thưởng, vẫn có không ít thắc mắc về thực lực thật sự của các võ sĩ Cố đô. Bởi suy cho cùng, giải khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn nằm trong phạm vi “ao làng” nếu so với các giải vô địch, toàn quốc.

Cũng do chỉ khu trú trong phạm vi khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên giải thiếu vắng những đơn vị mạnh ở 2 đầu đất nước tham dự, như: Hà Nội, Công an, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh... Từ đó, thiếu đi sự cạnh tranh hấp dẫn, kịch tính và cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm trong tập luyện, thi đấu từ những VĐV đẳng cấp.

Trưởng bộ môn Karate - do Huế - Lê Văn Lộc (áo xanh) trên bục nhận danh hiệu vô địch toàn đoàn lần thứ 6 tại giải miền Trung - Tây Nguyên 2021. Ảnh: NVCC

Còn về tuyển Karate – do Huế, không ai phủ nhận những thành tích giành được suốt thời gian qua ở giải đấu này. Nhưng, như thừa nhận rất thẳng thắn của Trưởng bộ môn Karate tỉnh Lê Văn Lộc, việc các VĐV Huế thắng “như chẻ tre” một phần là “nhờ” VĐV chủ chốt đang khoác áo tuyển quốc gia của một số tỉnh, thành bạn không tham dự, lý do là để dồn sức cho các giải lớn sắp tới trong năm.

“Về tổng quan, VĐV tuyển Karate – do tỉnh vẫn giành được thành tích cao tại các đấu trường lớn cả ở giải trẻ lẫn vô địch, chứ không riêng tại giải khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Điều này cho thấy, từ sự đầu tư thỏa đáng của tỉnh, của ngành, bộ môn Karate tỉnh đang từng bước gặt hái được một số thành quả nhất định. Dẫu vậy, những thành tích trên vẫn chưa như kỳ vọng, và đó là điều mà bản thân tôi và các HLV, VĐV cần nhanh chóng khắc phục để hướng đến những sân chơi lớn như SEA Games, ASIAD trong tương lai”, ông Lê Văn Lộc nhìn nhận.

Hiện, tuyển Karete – do tỉnh chỉ có mỗi VĐV Lê Minh Thuận tập trung đội tuyển Việt Nam để chuẩn bị cho SEA Games 31. Nếu so với nơi từng là cái nôi của Karate Việt Nam, điều này quả thật quá khiêm tốn. Đó còn chưa kể, việc Lê Minh Thuận có chính thức được góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực hay không còn phải chờ VĐV này chứng minh thông qua thành tích, phong độ bản thân ở các sân chơi lớn sắp tới như, giải vô địch quốc gia, cúp các CLB mạnh toàn quốc…

Không chỉ vậy, bên cạnh vẫn chưa thể thu hẹp được khoảng cách với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an…, một vài năm gần đây, tuyển Karate – do tỉnh đang gặp phải thực trạng là lớp VĐV trẻ chưa kịp “chín” để đảm đương vai trò kế cận, trở thành lực lượng nòng cốt trong hành trình tìm lại ánh hào quang xưa. Nguyên nhân, là do lực lượng VĐV mỏng, không đủ trải đều 3 tuyến (năng khiếu, trẻ và vô địch), từ đó, tính kết nối, liên tiếp giữa các tuyến có thời điểm bị hẫng.

Để giải bài toán này, việc bổ sung thêm tuyến dự bị năng khiếu là cách làm khả thi. Ngặt nỗi, nếu như các tỉnh, thành bạn đã áp dụng và đem lại hiệu quả nhất định thì ở Huế, với nhiều nguyên nhân, không riêng Karate – do mà các bộ môn khác vẫn chưa có cái gọi là “dự bị năng khiếu”. Và có lẽ, những người làm thể thao Huế nên cân nhắc điều này.

HÀN ĐĂNG